Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, cho biết các y bác sĩ, cán bộ bệnh viện dã chiến đã chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt, dự kiến sang châu Phi nhận nhiệm vụ thay thế bệnh viện số 2 tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Nam Sudan. Dự kiến đội lên đường vào tháng 3/2021.
“Covid-19 không cho phép các chuyên gia, giáo viên quốc tế đến thực hành huấn luyện, tuy nhiên Việt Nam đã hoàn toàn đủ năng lực để triển khai huấn luyện và được Liên Hợp Quốc công nhận”, thiếu tướng Phụng nói.
Đợt huấn luyện cuối này nhằm đánh giá tổng thể năng lực vận hành, điều hành, chỉ huy, quản lý, chuyên môn của bệnh viện trước khi đi làm nhiệm vụ thực tế.
Khóa huấn luyện diễn ra tại Bệnh viện Quân y 175, thực hành xử lý các tình huống trên sơ đồ và sa bàn, xử lý kịch bản tình huống trong môi trường hoạt động chuẩn của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đó là các tình huống cấp cứu, điều trị bệnh nhân, chuyển thương, chuyển tuyến, xử lý thương vong, phòng chống cháy nổ…
Ông Mark Brown, Trưởng Văn phòng Tổ chức Di cư quốc tế, điều phối viên an ninh khu vực của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết Liên Hợp Quốc đánh giá cao những đóng góp lớn của các bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hò bình từ tháng 10/2018 đến nay. Y bác sĩ của hai bệnh viện dã chiến số 1 và số 2 đã cứu chữa hàng nghìn bệnh nhân, góp phần rất quan trọng duy trì sức khỏe và chăm sóc y tế tại Nam Sudan, quốc gia thành viên trẻ nhất của Liên Hợp Quốc.
“Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam là điển hình của Liên Hợp Quốc về chất lượng cung cấp dịch vụ y tế và cứu chữa bệnh nhân theo tiêu chuẩn an toàn y tế”, ông Mark Brown nói. Điều này đã được chứng minh qua đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới về mức độ sẵn sàng của bệnh viện trong phòng chống Covid-19 gần đây.
Ông Mark Brown bày tỏ lòng biết ơn với Việt Nam vì những đóng góp quý báu trong sứ mệnh gìn giữ hoàn bình Liên Hợp Quốc. Việc triển khai nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn hoạt động của Liên Hợp Quốc là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, đánh giá “thắng lợi kép” của bệnh viện dã chiến là vừa đảm bảo tốt phòng chống Covid-19, dù có lúc phải cách ly vẫn hoàn thành chương trình huấn luyện, đáp ứng các yêu cầu Liên Hợp Quốc đặt ra.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đánh giá cao hoạt động gìn giữ hòa bình của các sĩ quan quân đội Việt Nam, trong bối cảnh nhiều khó khăn toàn cầu do Covid-19. Đặc biệt, bệnh viện dã chiến số 2 do nhu cầu của Liên Hợp Quốc và tình hình Covid-19 đang phải kéo dài thời gian làm nhiệm vụ thêm 5 tháng.
Khi vật tư y tế, trang bị để phòng chống Covid-19 không được Liên Hợp Quốc cung cấp, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động cung cấp “theo cách rất Việt Nam”.
“Đó là tất cả sĩ quan về phép khi quay lại Nam Sudan đã tình nguyện không mang tư trang, thay vào đó trong hành trang đều là các vật dụng y tế cho bệnh viện dã chiến số 2”, thượng tướng Vịnh chia sẻ.
Theo ông Vịnh, 1.400 bệnh nhân của Liên Hợp Quốc đã được điều trị bằng nỗ lực của y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 2, bằng các vật tư y tế được chuyển sang Nam Sudan theo hình thức như vậy. Trong nước, bệnh viện số 3 gặp nhiều khó khăn nhưng đã hoàn thành các nội dung huấn luyện theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011 với nhiệm vụ bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường.
Tháng 10/2018, Việt Nam lần đầu triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia UNMISS. Một năm công tác, bệnh viện phẫu thuật thành công nhiều ca nghiêm trọng, khám điều trị 2.022 bệnh nhân, cao hơn nhiều so với định mức bình quân của Liên Hợp Quốc đề ra cho bệnh viện dã chiến cấp 2 là khoảng 200 ca.
Ngày 19/11/2019, 63 chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp hai số 2 lên đường sang Nam Sudan thay thế cho đoàn bệnh viện số một.
Nam Sudan là quốc gia ở Đông Phi, có hơn 13 triệu dân. Người dân ở quốc gia này hiện phải đối diện các cuộc xung đột sắc tộc, nội chiến, nạn đói và bệnh tật.
Bệnh viện dã chiến gồm các cấp 1, 2 và 3, cao nhất là cấp 3.
Lê Phương – Vnexpress