Hội chẩn sáng 29/5, Tiểu ban Điều trị nhận định bệnh nhân đã có những dấu hiệu khá hơn. Kết quả xét nghiệm cho thấy men gan giảm dần đều trong ba ngày qua; chỉ số mức độ viêm và nhiễm khuẩn huyết tiếp tục giảm.
“Bệnh nhân phản xạ tốt hơn, có thể xoay đầu khi nhận lệnh từ bác sĩ, sức cơ tay chân cũng khá hơn, tình trạng cứng hàm cải thiện, đã ngậm được kín miệng”, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay.
Bệnh nhân còn cứng khớp vai và khớp cổ chân tay, đang được tập vật lý trị liệu. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu suy mòn về dinh dưỡng, ảnh hưởng đến cơ hoành và một số cơ khác. Các chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy theo dõi sát bệnh nhân để can thiệp phù hợp nhằm cải thiện sức cơ.
Công tác chuẩn bị dự phòng ghép phổi cho bệnh nhân vẫn tiếp tục được thực hiện.
Các chuyên gia đánh giá tình trạng bệnh nhân vẫn nặng vì mức độ phụ thuộc ECMO (máy giúp oxy hóa máu ngoài cơ thể) còn cao, đang giảm dần các thông số. Phổi bị nhiễm trùng với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, cho biết những cải thiện bước đầu của bệnh nhân đã cho thấy quyết định chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy là hoàn toàn chính xác và đúng thời điểm.
“Việc điều trị bệnh nhân còn nhiều thách thức vì vẫn còn nhiễm trùng phổi. Quan điểm của Tiểu ban Điều trị là bệnh nhân, không phân biệt trong hay ngoài nước, giàu hay nghèo, đều được ngành y tế hết lòng phục vụ”, ông Khuê nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Hội chẩn Chuyên môn Chăm sóc, Điều trị bệnh nhân Covid-19, cho rằng đây là ca khó nhất từ trước đến nay. Chiến lược điều trị tiếp theo là tập trung chữa nhiễm trùng phổi và từng bước cai ECMO.
“Bí quyết giúp Việt Nam đến nay chưa xuất hiện ca tử vong do Covid-19, là đoàn kết và thiết lập một đội ngũ làm việc hiệu quả”, ông Bình nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy tập trung điều trị nhiễm trùng phổi, thay thế thuốc điều trị chống nấm cho bệnh nhân., đồng thời điều trị chức năng gan, thận; tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân để cải thiện cơ hoành và tình trạng liệt cơ.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phối hợp với Chợ Rẫy tiếp tục theo dõi tình trạng người bệnh, tìm kiếm nguồn hiến phổi phù hợp để ghép.
Bệnh nhân phi công người Anh, 43 tuổi, mắc hội chứng “bão cytokine” – hệ miễn dịch phản ứng thái quá chống lại chính cơ thể, rối loạn đông máu, hôn mê hơn hai tháng nay, can thiệp bằng tim phổi nhân tạo. Bệnh nhân hiện đã hết nCoV. Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Lê Nga – Lê Cầm – Vnexpress