Bánh cuốn thanh long ruột đỏ

Ủng hộ nông sản Việt Nam, bánh cuốn Thanh Trì bà Hanh ở ngõ Thọ Xương được thêm thanh long xay nhuyễn, tạo nên màu tím hồng bắt mắt.

Quán bánh cuốn nhỏ nằm tại địa chỉ 26B Thọ Xương (cửa sau 26 Ấu Triệu), thu hút đông du khách trong những ngày gần đây bởi món bánh cuốn “giải cứu nông sản”. Món ăn này được nghĩ ra bởi bà Dương Thị Hanh, 71 tuổi, quê ở xóm Đình, Thanh Trì. Bà đã bán bánh cuốn gần 30 năm nay, cơ sở trước đây ở Giảng Võ. Quán bây giờ mới mở được khoảng 4 năm. Bà Hanh chỉ làm từ 6h đến 15h chiều, ca sau sẽ do người khác bán.

Từ khoảng 11h trưa, thực khách sẽ thấy bà thoăn thoắt đổ bột trên những nồi hấp khói nghi ngút. Sau đó lấy bánh và cuốn với nhân thịt băm, mộc nhĩ. Với 3 nồi hấp bánh, cứ khoảng 3 phút, bà làm xong một đĩa bánh cuốn 6, 7 thanh.

Bà Hanh làm ca sáng từ 6h đến 15h hàng ngày.
Bà Hanh làm ca sáng từ 6h đến 15h hàng ngày.

Bánh cuốn thanh long có màu tím hồng bắt mắt, bên ngoài lấm tấm hạt đen xay nhuyễn. Ấn tượng ban đầu về món ăn là vỏ bánh dai, mịn, từng chiếc được cuốn khéo léo to bằng 2 ngón tay, đều chằn chặn. Mùi bột gạo xay mới còn thơm khi nóng. 

Bà Hanh cho biết, bánh cuốn thanh long không khó làm, tuy nhiên khi tráng, bánh nhanh phồng và dễ rách hơn. Vì vậy, dù là người thạo nghề, bà cũng cuốn chậm hơn một chút so với bánh cuốn bột trắng. 

Bên trong, bánh cuốn được thêm nhân thịt, mộc nhĩ, hành băm như truyền thống. Bên trên rắc một lớp hành khô vàng ruộm. Về hương vị, bánh cuốn thanh long không khác biệt nhiều so với bánh trắng. Khi để lâu vỏ thường cứng hơn.

Bánh cuốn nóng sau khi tráng được sắp xếp trên mẹt tre, gọn gàng và đẹp mắt. Nước chấm truyền thống ở quán pha đậm đà, vừa miệng ăn. Mỗi suất bánh cuốn trắng, bánh thanh long nhân thịt, kèm dưa góp có giá 35.000 đồng, bánh trứng cuộn 15.000 đồng. Thực khách có thể gọi thêm chả quế hay chả nướng xả, giá 11.000 đồng một suất.

  

Chị Trân, 50 tuổi (giữa), một thực khách nhận xét, bánh cuốn thanh long về cảm quan có màu đẹp, có mùi thơm. Bánh ăn rất mềm, ngọt ngào, tuy nhiên hương vị không quá rõ ràng. “Đây là một món ăn sáng tạo và cần được nhân rộng. Mong rằng trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều món ăn hấp dẫn như vậy và áp dụng nhiều loại nông sản khác, ủng hộ bà con nông dân”, chị nói.

Bánh cuốn thanh long được bà Hanh lấy ý tưởng từ chiến dịch giải cứu nông sản. Ban đầu chỉ làm thử nghiệm, tuy nhiên thấy bánh có màu đẹp mắt, vị ngọt thanh nên bà quyết định đưa món ăn vào bán. Trong quá trình thử nghiệm, bà chỉ bỏ duy nhất một lần bột do chưa cân đối được vị ngọt của thanh long.

Thanh long làm bánh đều được chọn mua ở siêu thị, sau đó để tủ giữ lạnh. Chị Hoàng Thị Vỹ, nhân viên của quán là người thay bà Hanh làm ca chiều từ 17h đến 22h cho biết, Mỗi ngày quán tiêu thụ khoảng 25, 26 kg quả. Mỗi nồi cơm điện bột xay sẽ được hòa với một quả thanh long xay nhuyễn, cùng 2 cốc nước lọc lớn để không bị khô. Bột hoàn toàn có màu hồng tự nhiên, không dùng phẩm màu. Đặc biệt, bột hết tới đâu quán mới pha tới đó, vì thanh long xay để quá một tiếng sẽ chua, làm hỏng mùi thơm và vị bánh.

Thực khách đến đây có thể xem công đoạn xay thanh long, trộn bột và làm bánh của quán.
Thực khách đến đây có thể xem công đoạn xay thanh long, trộn bột và làm bánh của quán.

Chị Vỹ cho biết, quán cũng đã từng nghĩ đến làm bánh cuốn dưa hấu cho màu sắc hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, dưa có vị ngọt, không thanh mát như thanh long, sẽ làm át đi vị bánh cuốn truyền thống.

Trước đây, quán bánh cuốn mỗi ngày bán khoảng 200 – 300 suất. Từ ngày có bánh thanh long, nhiều người tò mò đến thử, số khách tăng 30 – 40%. Để ủng hộ những người nông dân, bánh không tăng giá, dù công đoạn có cầu kỳ hơn. Sáng sớm, giữa trưa là thời điểm đông khách nhất của quán. Do có diện tích nhỏ, mỗi lần chỉ đón được khoảng 20 khách, nhiều người phải đợi để thưởng thức món ăn mới lạ này.

Lan Hương – Vnexpress