Bài học từ biện pháp phong tỏa của Trung Quốc

Các lệnh cấm ở Trung Quốc là biện pháp hiệu quả nhất đến nay ngăn chặn được Covid-19 lây lan, nhưng cách đó chưa chắc áp dụng được ở nước khác, theo WHO.  

Khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1, toàn bộ thành phố Vũ Hán 11 triệu dân, trung tâm của tỉnh Hồ Bắc, nguồn khởi phát của dịch bệnh, đã bị phong tỏa. Hãng tin Bloomberg khi đó bình luận rằng Trung Quốc hy sinh Hồ Bắc để ngăn dịch lan cả nước. Thế giới chăm chú quan sát xem biện pháp này sẽ dẫn tình hình đi đến đâu. 

Hôm qua, Trung Quốc ghi nhận 24 ca mắc mới, so với mức 5-600 ca ở đỉnh dịch mỗi ngày. Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Vũ Hán như một thông điệp khải hoàn, và 14 bệnh viện dã chiến Hồ Bắc đóng cửa sau khi hoàn thành sứ mệnh. 

Thế nhưng trước đó chỉ một tuần, khi Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan thị sát Vũ Hán, người dân thét lên qua những ô cửa sổ: “Giả dối!”. 

Vậy thì các nước có thể học hỏi những gì từ biện pháp của Trung Quốc mà không ảnh hưởng tới tự do cá nhân và hoạt động kinh tế – câu hỏi đặt ra khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở cả Mỹ, châu Âu và nhiều vùng trên thế giới. 

Thành phố Vũ Hán bị phong toả vào cuối tháng 1/2020. Ảnh: Reuters
Thành phố Vũ Hán bị phong toả vào cuối tháng 1/2020. Ảnh: Reuters

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rằng cho đến nay, động thái quyết liệt của nước này là cách duy nhất chứng tỏ được hiệu quả ngăn chặn và hạn chế tối đa virus phát tán, lây lan. Song WHO cũng nhấn mạnh rằng không có một biện pháp nào là đúng cho mọi trường hợp.

Adam Kamradt-Scott, phó giáo sư tại Đại học Sydney, chuyên gia an ninh y tế toàn cầu, cho rằng chính phủ các nước nên cố gắng ngăn chặn sự lây lan, nhưng biện pháp cần phù hợp với tính chất riêng của đợt bùng phát.

“Có rất nhiều lựa chọn – bạn có thể rất mạnh tay và ngăn chặn lây nhiễm một cách nhanh chóng, nhưng nó cũng gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng”, ông nói.

Kamradt-Scott khuyến cáo chính phủ các nước có thể học tập cách giải quyết của Trung Quốc, nhưng những phương án này cũng dấy lên lo ngại về quyền con người. Mỗi nước có cách nhìn nhận khác nhau với vấn đề này.

Hannah Clapham, trợ lý giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc tìm ra hướng giải quyết cần đánh giá trên khía cạnh kinh tế và quản lý, cũng như khả năng y tế của quốc gia đó.

Các biện pháp hạn chế tiếp xúc khác như làm việc tại nhà, thay đổi giờ hoạt động của phương tiện công cộng và hủy bỏ các sự kiện lớn có thể giúp kéo dài thời gian dịch đạt đỉnh. Trong khi đó, phong tỏa chỉ hiệu quả khi có tâm dịch rõ ràng.

Quân đội Hàn Quốc trong trang phục bảo hộ tiến hành tiêu độc khử trùng tại các ngõ ngách của thành phố Seoul. Ảnh: AFP
Quân đội Hàn Quốc trong trang phục bảo hộ tiến hành tiêu độc khử trùng tại các ngõ ngách của thành phố Seoul. Ảnh: AFP

Yanzhong Huang, chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ cho rằng việc phong tỏa sẽ gây áp lực lớn nhất đến những người ở bên trong khu vực đó. Trong thời gian thành phố Vũ Hán bị cách ly, nhiều bệnh nhân không được nhập viện và điều trị kịp thời. Điều này làm tăng tỷ lệ tử vong và mức độ lây lan của virus.

Ông cũng cho rằng biện pháp của Trung Quốc, đặc trưng bởi tính chất toàn quyền của chính phủ, có thể không hiệu quả với một số quốc gia. Đối với nền dân chủ kiểu Mỹ, việc phong tỏa một thành phố chắc chắn đối mặt với những rào cản về luật pháp và quản lý.

Các khu vực đông dân như Hong Kong và Singapore lựa chọn hướng giải quyết khác. Cả hai nơi đều có các ca bệnh sớm và lây lan trong cộng đồng, nhưng đến nay cả vẫn giữ được số ca nhiễm thấp thông qua xét nghiệm tích cực, hạn chế đi lại, cách ly tại nhà và theo dõi nghiêm ngặt những người có yếu tố dịch tễ.

Đối với các nước có số ca dương tính thấp hoặc chỉ có các ca bệnh do nhập cảnh, việc tìm ra cách thức đón đầu sự lây lan là vô cùng quan trọng.

Hassan Zaraket, trợ lý giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Đại học Mỹ tại Beirut, chỉ ra rằng với Lebanon, hệ thống y tế sẽ quá tải nếu dịch bùng phát nhanh. Lebanon hiện có 22 trường hợp dương tính, bao gồm ít nhất hai ca nhiễm nhập cảnh và đi lại tự do. Dù đã có hàng rào sàng lọc, hạn chế và cách ly, những người đến từ quốc gia khác vẫn mang nhiều nguy cơ truyền bệnh.

“Bây giờ chúng tôi có từ một đến hai tuần để biết [từ] hai trường hợp này, bao nhiêu người có thể biểu hiện các triệu chứng. Khi ghi nhận nhiều ca bệnh hơn, vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn”, ông nói. 

Ông cũng cho hay mối lo ngại này cộng thêm khó khăn tài chính và đi lại sẽ khiến việc nhập vật tư y tế khó khăn hơn. Trong trường hợp xấu, nếu người dân không tuân thủ hay chính phủ ngừng các biện pháp kiểm soát dịch, rất dễ xảy ra lây lan trong cộng đồng.

“Tôi mong là chúng ta không phải đối mặt với một đại dịch”, ông nói.

Linh Phan (Theo SCMP) – Vnexpress