“Chúng tôi không còn ôm hôn nhau nữa. Đó là điều thực sự khó khăn đối với con gái út của tôi”, Eunice Chan, nữ bác sĩ tại một bệnh viện ở Hong Kong, nói.
Chan có lý do để thực hiện các biện pháp tự cách ly như vậy. Hong Kong đã ghi nhận hai ca tử vong và 68 ca nhiễm nCoV. Dịch Covid-19 khiến trung bình 104 người chết mỗi ngày ở đại lục khiến cả thành phố luôn trong tình trạng căng thẳng.
Chuyên gia y tế kêu gọi người dân nên rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài, dẫn tới cảnh người dân Hong Kong đổ xô tìm nguồn cung và xếp hàng dài bên ngoài các hiệu thuốc.
Nhưng tại nhà của Chan, nỗi lo lắng được đẩy lên cao độ. Cả nữ bác sĩ 44 tuổi và chồng cô, bác sĩ Pierre Chan, 43 tuổi, đều phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để vừa điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện và bảo vệ ba cô con gái 7-12 tuổi tại nhà.
Pierre Chan, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại bệnh viện công và là thành viên hội đồng lập pháp Hong Kong, tháng này đã khám cho 5 bệnh nhân nhiễm nCoV. Dù mặc đồ bảo hộ đầy đủ và không bị bệnh viện yêu cầu cách ly, anh vẫn ngủ lại văn phòng 14 ngày để tránh nguy cơ lây bệnh cho con gái và bố mẹ vợ.
“Tôi không dám về nhà. Tôi thậm chí không tới khách sạn. Bạn không thể biết mình có nhiễm nCoV hay không khi chưa xuất hiện triệu chứng bệnh. Biết đâu virus đã kịp bám vào quần áo của tôi. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn sẽ không bao giờ muốn gây nguy hiểm cho gia đình mình”, anh nói.
Khi hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát vào đầu những năm 2000, cả Eunice và Pierre còn là bác sĩ trẻ. Cuộc khủng hoảng y tế năm đó đã khiến 386 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Hong Kong, trong đó có 8 người tử vong, gồm 4 bác sĩ, một y tá và ba trợ lý. Nhưng vợ chồng bác sĩ Chan lo rằng dịch Covid-19 hiện nay còn đáng sợ SARS.
“Tình cảnh lúc đó không giống như bây giờ, bởi chính quyền Hong Kong hiện nay đang khiến người dân cảm thấy mất niềm tin”, Eunice nói.
Sự mất niềm tin đã dẫn tới cuộc đình công của hàng nghìn nhân viên y tế Hong Kong để yêu cầu giới chức đặc khu đóng cửa toàn bộ cửa khẩu nhằm ngăn người từ Trung Quốc đại lục vào thành phố. Người biểu tình thậm chí đã phóng hỏa phòng khám và trung tâm cách ly được chính quyền chỉ định. Sự hoảng loạn cũng gây ra tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh sau tin đồn nguồn cung bị hạn chế.
Hai vợ chồng bác sĩ cho biết SARS đã giúp họ hiểu được bệnh truyền nhiễm có thể lây lan dễ dàng thế nào và cuộc sống của toàn thành phố sẽ nhanh chóng bị đảo lộn ra sao khi dịch bùng phát. Nó cũng giúp họ thấy được tầm quan trọng của các biện pháp phòng chống dịch thông thường.
“Chúng tôi từng chứng kiến hậu quả mà SARS để lại. Chúng tôi thấy nhiều người đã chết và giờ tôi cảm thấy lo sợ”, Pierre chia sẻ.
Khi trở về nhà sau thời gian tự cách ly hôm 16/2, Pierre được ba con gái tặng bức tranh có hình cầu thủ đá bóng và những trái tim màu hồng cùng dòng chữ “chào mừng bố trở về”. “Tôi thấy hạnh phúc khi được về nhà”, anh nói.
Nhưng anh vẫn không dám bỏ khẩu trang khi bước vào nhà và phải cố gắng ngăn bản thân không ôm lấy các con.
Thanh Tâm (Theo NY Times) – Vnexpress