Trong ngày xét xử thứ 3 (16.1), bác sĩ Hoàng Công Lương đã dùng quyền im lặng tại tòa. Đây là lần thứ hai trong quá trình xét xử bác sĩ Lương dùng đến quyền này.
Sáng 16.1, TAND TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến 9 người chết xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Binh vào ngày 29.5.2017.
Tại phiên xét xử ngày thứ 3 này, bác sĩ Hoàng Công Lương lên bục khai báo và xin giữ quyền im lặng. Chủ tọa hỏi lại rằng: “Bị cáo có thể trả lời Viện kiểm sát được không?”. Bác sĩ Lương nói: “Hiện tại bị cáo không thể trả lời”.
Trước đó, trong ngày xét xử thứ 2 (15.1), được HĐXX TAND TP.Hòa Bình xét hỏi, bị cáo Hoàng Công Lương nói: “Bị cáo cảm thấy mệt nhưng sẽ cố gắng trả lời. Tuy nhiên nếu hỏi lâu, bị cáo sợ sẽ không đứng trả lời được”.
Đề cập đến cáo trạng truy tố Hoàng Công Lương tội “Vô ý làm chết người”, Lương đã làm đơn khiếu nại bản cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, vì cho rằng nguyên nhân gây chết người là do hóa chất tồn dư trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng chứ không liên quan đến công tác điều trị của bác sĩ. Lương cũng cho rằng, hành vi mà VKS mô tả đối với bị cáo cũng không đúng.
Bị cáo Hoàng Công Lương xác nhận đã được đào tạo về kỹ thuật lọc máu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong thời gian 2 tháng và đã được cấp chứng nhận của Bệnh viện Bạch Mai.
Lúc này, HĐXX hỏi bị cáo Hoàng Công Lương rằng: “Bị cáo có được dạy về xử lý nước lọc, ý nghĩa của nước trong lọc máu không?”. Bị cáo Lương giải thích: “Khóa học có 3 đối tượng gồm: Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với đối tượng nào thì đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực đó”.
HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Lương: “Trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước để đảm bảo cho lọc máu thuộc về ai?”. Lương trả lời rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm. Tiếp tục bị truy vấn, bị cáo Lương trả lời: “Là tại đơn nguyên thận nhân tạo không có kỹ sư nên trưởng khoa không phải chịu trách nhiệm mà do Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế”.
theo báo Dân Việt