Mái tóc nuôi gần 10 năm vừa dài vừa dày, “cứ cho vào trong mũ là lại trễ sang một bên, rớt xuống”, bác sĩ Nga chia sẻ.
Sản phụ từ khu cách ly sắp chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, chưa có kết quả xét nghiệm nCoV. Tất cả ê kíp gồm trưởng khoa, phó khoa Sản, khoa Truyền nhiễm cùng hơn chục bác sĩ, điều dưỡng đã mặc đồ bảo hộ sẵn sàng. Đây là lần đầu tiên có bệnh nhân từ khu cách ly chuyển đến.
Bác sĩ Nga nghĩ, nếu bệnh nhân dương tính, tóc dài không bảo hộ cẩn thận rất dễ lây nhiễm. “Tưởng tượng ra cảnh mình nhiễm bệnh, rồi phải tắm gội trong khu cách ly với mái tóc dài như vậy, quả thực thảm họa”, bác sĩ 33 tuổi nhớ lại.
Không chần chừ, chị gọi bác sĩ Nguyễn Tiến Thành đứng bên cạnh: “Thành ơi, cắt hộ cái tóc, ngắn nhất có thể”.
“Để em”, bác sĩ Thành đáp.
Thấy chiếc kéo cắt thuốc trên bàn làm việc, bác sĩ Thành cầm lấy, xoẹt vài đường theo đúng yêu cầu “ngắn nhất có thể”, không chút suy nghĩ. Chiếc kéo cùn, phải gần một phút sau anh mới cắt xong. Chị Nga đứng im không nhúc nhích. Xong xuôi, chị vội vàng lấy mũ trùm đầu rồi chạy vào phòng cấp cứu, không kịp nhìn lại “thành quả” đồng nghiệp mình vừa tạo ra.
“Đó là lần đầu tiên tôi mặc đồ bảo hộ, cũng là kỷ niệm không thể quên”, chị Nga nhớ lại hồi đầu tháng 3. Bộ tóc vừa cắt sau đó được một đồng nghiệp giữ lại hộ.
Sản phụ chuyển từ khu cách ly tập trung vào viện, bị sảy thai, được cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Suốt đêm hôm đó, chị Nga cùng một bác sĩ nữa thay phiên nhau túc trực, chăm sóc. Bệnh nhân không có chồng bên cạnh.
Bác sĩ nhớ lại: “Tôi chỉ sợ cô ấy buồn quá tự tử nên nửa đêm cũng phải thức để theo dõi tình hình, thành ra chả nghĩ gì đến mái tóc nữa”.
Sáng hôm sau cầm điện thoại soi bóng mình trên màn hình, chị giật mình. Tóc vừa ngắn lại nham nhở, buộc lên thì khó mà để xõa thì chẳng thành kiểu gì.
Không chê trách đồng nghiệp cắt tóc cho mình, bởi lúc đó “cả hai chẳng nghĩ được gì nhiều”, nhưng chị Nga tiếc. Từ ngày còn đi học đến nay, chưa bao giờ chị cắt tóc ngắn. Hôm sau về nhà, đứa con thứ hai mới 4 tuổi không nhận ra mẹ, mất một lúc cháu mới theo.
Dù có hơi chút tiếc nuối nhưng chị Nga vẫn khẳng định: “Nếu được trở lại lúc đó, tôi vẫn chọn cắt tóc. Nhỡ bệnh nhân dương tính thì sao?”.
Chia sẻ về quá trình cắt tóc cho chị Nga, bác sĩ Thành kể đây là lần đầu tiên anh cầm kéo cắt tóc cho người khác. Anh cũng chẳng kịp cảm nhận là đẹp hay xấu. “Lúc đó chỉ tập trung vào bệnh nhân sắp chuyển đến thôi”.
Hôm sau, bác sĩ Nga đi sửa lại tóc thì anh Thành mới nhìn thấy diện mạo mới. Anh vừa cười vừa khen: “Nhìn xinh và trẻ ra nhiều”. Chị Nga cũng vui và phấn khởi vì được mọi người trong khoa khen. “Có lẽ cũng phải cảm ơn lần cấp cứu đó mà tôi mới có cơ hội phá cách, làm mới bản thân”, chị cười nói.
Sản phụ ngay hôm sau có kết quả âm tính nCoV, được cách ly đủ 14 ngày rồi xuất viện.
Ngày 23/3, gần một tháng kể từ khi cắt tóc, chị Nga vẫn giữ lại bộ tóc của mình ở nhà. “Mọi người bảo bán đi nhưng tôi không”.
Đây sẽ là một kỷ vật đáng nhớ nhất trong gần 10 năm làm nghề của chị.
Thúy Quỳnh – Vnexpress