Bác sĩ bác bỏ nghi ngờ về vaccine Covid-19 của Nga

Tiến sĩ y học Sergei Tsarenko khẳng định Nga đã tạo được một loại vaccine an toàn, đồng thời phản đối sự hoài nghi và chế giễu của các chuyên gia phương Tây.

Ông Tsarenko, Phó trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện số 52 Moskva, nói tiêm chủng là cách an toàn và đáng tin cậy để ngăn ngừa nguy cơ tử vong, nhấn mạnh vaccine do Viện Gamaleya (Viện nghiên cứu Vi sinh và Dịch tễ Quốc gia Nga) phát triển là đáng tin cậy.

Tổng thống Nga Putin hôm qua tuyên bố Viện Gamaleya đã thành công trong phát triển vaccine Covid-19 và sẽ sản xuất đại trà, tiêm rộng rãi cho người dân. Tuyên bố này lập tức kích hoạt những lời hoài nghi, thậm chí chế giễu từ các chuyên gia từ châu Âu và Mỹ, với lý do Nga chưa thử vaccine một cách rộng rãi ở giai đoạn ba, mà đã “đốt cháy giai đoạn”.

Bác sĩ Tsarenko đặt câu hỏi về động cơ của những lời chỉ trích.

“Đến nay, chỉ những người từng mắc và hồi phục mới có khả năng chống lại mầm bệnh. Song vẫn có giải pháp an toàn hơn, đó là tiêm chủng”, ông nói. “Viện Gamaleya đã tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Trong giới dịch tễ, Viện này được ví như Mercedes của ngành ôtô“.

Vaccine Sputnik gồm hai thành phần: virus vô hại và một đoạn của bộ gen nCoV. Tiến sĩ Tsarenko sử dụng hình ảnh “phóng tên lửa” để giải thích ý tưởng này rõ hơn. Virus cúm đóng vai trò như “tên lửa đẩy”, mang theo một phần của nCoV vào cơ thể người, từ đó hệ miễn dịch nhận biết mầm bệnh.

Tuy nhiên hai thành phần của vaccine chỉ tạo được phản ứng miễn dịch ngắn hạn cho cơ thể, vì vậy cần tiêm mũi bổ sung.

“Để làm dài thời gian miễn dịch, 28 ngày sau mũi đầu tiên, một đoạn gen tương tự của nCoV được đưa vào cơ thể, sử dụng ‘tên lửa’ khác. Kết quả, cơ thể không kháng được virus vô hại ban đầu, nhưng lại hình thành hàng rào bảo vệ mạnh mẽ chống lại nCoV”, bác sĩ Tsarenko giải thích.

Phương pháp này còn được gọi là vector virus, được Viện Gamaleya phát triển một thời gian dài trước đó. Công nghệ từng được sử dụng trong điều chế vaccine Ebola và MERS.

Về rủi ro phơi nhiễm nCoVgiữa hai lần tiêm, khi người dùng chưa sinh đủ miễn dịch, ông Tsarenko nhận định điều này “nghe có vẻ khủng khiếp”, nhưng thực ra không đáng sợ đến thế. Bác sĩ nói hiện tượng trên không liên quan đến vaccine, và chỉ từng được phát hiện ở các bệnh nhân sốt xuất huyết.

Vaccine Covid-19 của Nga, phê duyệt ngày 11/8. Ảnh: RDIF
Vaccine Covid-19 của Nga, phê duyệt ngày 11/8. Ảnh: RDIF

Theo Tsarenko, câu hỏi thực sự bây giờ không phải là liệu vaccine Sputnik có an toàn và hiệu quả hay không, mà là tại sao truyền thông lại đón nhận nó một cách tiêu cực thế. Ông bày tỏ nghi ngờ “những lực lượng đứng sau các chuyên gia độc lập” đang chỉ trích vaccine của Nga.

“Điều đó gây hại cho các bác sĩ, những người đang điều trị bệnh nhân Covid-19 và chỉ mong mỏi đại dịch sớm kết thúc”, ông nói.

Nguyễn Ngọc (Theo Sputnik) – Vnexpress