Bạc hà – Vị thuốc kháng khuẩn tự nhiên, lợi tiêu hoá

Bạc hà là một loại gia vị làm thuốc phổ biến ở Việt Nam. Với mùi vị đặc trưng và hàng loạt tác dụng lợi tiêu hoá, kháng khuẩn, thông mũi mát họng, trừ cảm mạo; vị thuốc này được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực ngoài y khoa như sản xuất kẹo, tinh dầu, dung dịch khử trùng…

Bạc hà có tên khoa học là Mentha arvensis L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceace). Loài cây này được dùng để tạo ra nhiều vị thuốc khác nhau.

  • Bạc hà: Toàn bộ bộ phận trên mặt đất tươi hay phơi âm can (phơi bóng râm) của cây.
  • Bạc hà diệp: Là lá tươi, phơi hay sấy khô của cây bạc hà
  • Tinh dầu bạc hà: là dầu cất từ cây này
  • Menthol (mentola) hay bạc hà não: Là chất đặc trắng, chiết từ tinh dầu bạc hà.

Menthol và tinh dầu được ứng dụng rộng rãi trong điều chế thuốc ngậm ho, kem đánh răng, dầu hoặc cao xoa bóp…

Tác dụng dược lý của vị thuốc

Bạc hà gây cảm giác tê mát tại chỗ. (Ảnh: pexels)
Bạc hà gây cảm giác tê mát tại chỗ. (Ảnh: pexels)

Tinh dầu bạc hà và mentola bốc hơi nhanh gây cảm giác mát, tê tại chỗ. Có thể dùng trong trường hợp đau dây thần kinh. Tác dụng sát trùng mạnh giảm triệu chứng ngứa của một số bệnh ngoài da.

Bạc hà uống với liều nhỏ có thể gây hưng phấn, xúc tiến bài tiết mồ hôi, giảm thấp nhiệt độ cơ thể. Dùng với liều cao có tác dụng kích thích tuỷ sống, gây tê liệt phản xạ, và ngăn sự lên men quá mức bình thường trong ruột.

Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Thần kinh học cho biết, loại trà bạc hà có thể cải thiện sự tập trung vì mùi hương từ tinh dầu này kích thích trung tâm bộ nhớ của não được gọi là hồi hải mã.

Công dụng và một số bài thuốc

Bạc hà là vị thuốc có mùi thơm đặc trưng. (Ảnh: pixabay)
Bạc hà là vị thuốc có mùi thơm đặc trưng. (Ảnh: pixabay)

Theo y học cổ truyền, bạc hà là vị thuốc có mùi hương rất đặc trưng; vị cay, tính mát; quy kinh Phế, Can; được xếp trong nhóm thuốc giải biểu. Tác dụng tán phong nhiệt, làm ra mồ hôi, giảm uất, chữa đau bụng, bụng đầy, ăn không tiêu.

1. Phòng cảm cúm

Bạc hà, Tô diệp, Hoắc hương, mỗi thứ 8g. Sắc lửa to nhanh với 300 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 3 ngày.

2. Chữa cảm mạo (đau nhức đầu, sốt cao, ít hoặc không ra mồ hôi)

Bạc hà diệp 6g, Kinh giới 6g, Bạch chỉ 4g, Phòng phong 5g, Hành hoa 6g. Nước đun sôi đổ thang thuốc vào, hãm trong 20 phút, sau đó uống khi thuốc đang nóng.

3. Tăng tiết mật, kích thích tiêu hoá

Dùng trong trường hợp ăn uống không tiêu, lợm họng buồn nôn, ợ chua, đau bụng, đi tả. Lấy 20g bạc hà hoặc bạc hà diệp hãm với 200 ml nước sôi khoảng 15 phút, cứ cách 3 giờ uống 1 lần, đến khi thấy triệu chứng cải thiện thì uống 3 lần/ngày cho tới khi khỏi.

4. Trị ho, thông mũi, giảm tắc nghẽn

Tinh dầu bạc hà được dùng như một loại thuốc thông mũi, giảm đau họng. (Ảnh: pixabay)
Tinh dầu bạc hà được dùng như một loại thuốc thông mũi, giảm đau họng. (Ảnh: pixabay)

Có thể dùng độc vị Bạc hà hãm uống như trà, hoặc hoà tinh dầu bạc hà theo hướng dẫn của nhà sản xuất để dùng. Trà bạc hà có lợi ích nhất định do tinh dầu của nó là một loại thuốc giúp thông mũi. Vị thuốc này có thêm tác dụng giảm đau tự nhiên nếu bạn bị viêm xoang liên quan đến dị ứng và cảm lạnh. Trà bạc hà ấm cũng có thể giúp làm dịu cơn đau họng, giảm kích ứng từ đó giảm ho.

5. Tác dụng sát khuẩn

Lá tươi giã nát băng vào vết bỏng nhỏ hoặc mụn nhọt để chống nhiễm khuẩn và lên da non. Ngoài ra, còn có thể dùng nước sắc bạc hà hoặc tinh dầu bạc hà để súc miệng giúp sát khuẩn răng lợi.

Theo một số nghiên cứu, tinh dầu bạc hà còn có tác dụng như một chất giãn cơ, từ đó giảm mức độ căng thẳng và lo âu. Hơn nữa, chất menthol trong bạc hà đóng vai trò giúp cơ thể thư giãn tâm trí, người sử dụng có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ ngon hơn.

Lưu ý:

  • Không nên sử dụng các sản phẩm từ bạc hà cho trẻ em. Tinh dầu bạc hà và mentola bôi mũi hay nhỏ giọt uống có thể gây hiện tượng ức chế dẫn đến ngừng thở, ngừng tim. Đã có ghi nhận một số trường hợp trẻ tử vong do nhỏ 1 giọt dầu mentola 1%, hoặc bôi vào niêm mạc mũi một ít thuốc mỡ có chứa mentola.
  • Người cảm mạo phong hàn biểu hiện rét run, sợ lạnh, sốt, ra mồ hôi nhiều không nên dùng.

Mộc Chi

Để lại một bình luận