Ba vướng mắc của người dân quanh bãi rác Nam Sơn

Chủ tịch Hà Nội nêu nguyên nhân người dân chặn xe chở rác và cho hay thành phố đang kiên trì đối thoại để giải quyết dứt điểm, tránh tái diễn.

Việc người dân liên tục chặn xe vào khu xử lý Nam Sơn khiến rác ùn ở nội đô nhận nhiều quan tâm tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung với cử tri quận Hoàn Kiếm, sáng 17/7.

Ông Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/7. Ảnh: Võ Hải.
Ông Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 17/7. Ảnh: Võ Hải.

Theo ông Chung, từ tối 14/7, một số người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Thành phố đã tạm thời phân luồng rác tồn đọng đến các bãi Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), Xuân Sơn (Sơn Tây, Ba Vì). Đồng thời, thành phố tổ chức đối thoại với người dân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và giải thích chủ trương chính sách của thành phố.

“Sáng nay Phó bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn và Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cũng đối thoại với người dân. Chủ trương của thành phố là kiên trì đối thoại và hy vọng sự việc sớm được giải quyết dứt điểm”, ông Chung nói.

Lý giải nguyên nhân người dân chặn xe chở rác, Chủ tịch Hà Nội cho hay có ba vướng mắc.

Thứ nhất liên quan đến giá đất, nhà tái định cư, hiện thành phố đã giải quyết xong. Thứ hai là kinh phí đền bù cũng đã được thành phố bố trí đủ ngân sách. Thứ ba là xác định nguồn gốc đất để đền bù, đây là vướng mắc nhất. “Có những giai đoạn công tác phục vụ đền bù thực hiện chưa đúng dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc”, ông Chung nói.

Một nguyên nhân nữa được nêu là việc chậm trễ xử lý nước rỉ rác. Khu chôn lấp theo công nghệ cũ hàng ngày phát sinh nước rỉ rác (1m3 rác sinh ra 1,2 m3 nước rỉ rác). Từ năm 2019 trở về trước thành phố đặt hàng công ty Phú Điền và một đơn vị khác xử lý nước rỉ rác. Nhưng theo quy định mới, việc xử lý trên phải qua đấu thầu, dẫn đến tồn khoảng 150.000 m3 nước rỉ rác, nắng nóng gây mùi hôi thối, ô nhiễm nên người dân bức xúc kéo ra chặn xe chở rác.

Một góc Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Giang Huy.
Một góc Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Giang Huy.

Ông Chung cho hay thành phố đang nỗ lực đối thoại để gỡ vướng mắc nêu trên với tinh thần có cơ chế chính sách nào tốt nhất cho người dân thì sẽ áp dụng để đảm bảo hài hòa lợi ích.

“Thành phố luôn đồng cảm, chia sẻ với người dân cạnh bãi rác vì họ chịu thiệt thòi về môi trường, gánh vác chung cho môi trường thành phố. Thành phố cũng không hẹp hòi gì trong chính sách nhưng có những vấn đề liên quan quy định của pháp luật cần các cấp cao hơn quyết định thì mới đảm bảo sự đúng đắn trong điều hành”, ông Chung nói.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) được xây dựng từ năm 1999, có quy mô lớn nhất Hà Nội với hơn 157 ha. Khu xử lý hiện tiếp nhận phần lớn rác thải của Hà Nội với khoảng 5.000 tấn trên tổng số 6.500 tấn phát sinh mỗi ngày. 1.500 tấn còn lại được chuyển về bãi Xuân Sơn (Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ.

Theo quy hoạch của thành phố, hơn 2.000 hộ dân quanh bán kính 500 m bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn sẽ được di dời đến các khu tái định cư, cách bãi rác từ 1 đến 7 km. Tuy vậy, người dân cho rằng thành phố và huyện Sóc Sơn chậm thực hiện các chính sách, trong đó có việc chi trả tiền bồi thường, xác định vị trí và diện tích đất cho mỗi hộ ở khu tái định cư… nên nhiều lần chặn xe vào khu xử lý rác.

Rác sinh hoạt chất đống vì người dân chặn xe vào nhà máy rác
Rác sinh hoạt ùn trong nội thành ngày 15/7, khi người dân chặn xe vào khu xử lý Nam Sơn. Video: Huy Mạnh.
   

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến 7h ngày 17/7, đơn vị chức năng đã vận chuyển được gần 7.000 tấn rác thải tồn đọng.

Trong đó, khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây) tiếp nhận hơn 4.700 tấn. Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) tiếp nhận 770 tấn. Nhà máy xử lý rác thải của Hợp tác xã Thành Công (tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn) tiếp nhận hơn 1.300 tấn.

Ngoài ra, các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ, Nam Từ Liêm có các điểm lưu chứa rác tạm thời tại quận. Các điểm tập kết này được UBND quận chỉ đạo nhà thầu vệ sinh môi trường phủ bạt, rắc vôi bột.

Võ Hải – Vnexpress