Ba thách thức trong làn sóng Covid-19 từ Đà Nẵng

Khó xác định nguồn lây F0, chủng mới nCoV tại Đà Nẵng lan nhanh, nhiều nhân viên y tế nhiễm, là 3 thách thức trong làn sóng Covid-19 hiện nay.

Bác sĩ Bùi Vũ Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện đại học Y Hà Nội, chia sẻ nhận định này trong buổi Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong thực hành lâm sàng, chiều 30/7.

Các ca nhiễm mới từ Đà Nẵng hiện không xác định được nguồn lây, có xu hướng gia tăng, lây lan cộng đồng. Bác sĩ Bình nhận định: “Làn sóng Covid-19 thứ hai ở Việt Nam lần này nguy hiểm hơn rất nhiều so với lần trước, có rất nhiều thách thức đặt ra”.

Thách thức đầu tiên là nCoV lây nhiễm ở Đà Nẵng thuộc chủng mới, dễ lây lan hơn, mức độ nguy hiểm cao hơn. Ca nhiễm lần này không chỉ người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền mà còn nhiều người trẻ, người sức khỏe tốt, có thói quen di chuyển nhiều. Điều này tạo điều kiện cho nCoV lan rộng nhanh chóng.

Thách thức thứ hai là rất khó xác định được nguồn lây nhiễm (F0) để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Những ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đúng thời điểm du lịch, rất nhiều người di chuyển về địa phương. Do đó, nguy cơ tiềm tàng để lây bệnh về địa phương rất lớn.

Có nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao không phong tỏa cả Đà Nẵng?”. Theo bác sĩ Bình, việc này khó thực hiện. Thực tế, việc người dân di chuyển ra vào Đà Nẵng bằng rất nhiều đường, không chỉ đường hàng không mà còn đường bộ, đường biển, việc phong tỏa Đà Nẵng không hề đơn giản. Ngoài ra, nếu tất cả số người nhiễm Covid-19 ở lại Đà Nẵng điều trị sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của thành phố này. Nên, không phong tỏa Đà Nẵng cũng là điều hợp lý.

Tuy nhiên, việc không phong tỏa Đà Nẵng sẽ gây ra nhiều thách thức. Nếu không cẩn thận, những người từ Đà Nẵng trở về địa phương trong bối cảnh nguồn lực y tế chưa được cải thiện nhiều sau đợt một chống dịch. Năng lực y tế của các tỉnh thành khác nhau, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn.

Thách thức thứ hai là tỷ lệ nhân viên y tế mắc Covid-19 rất cao. “Đây là điều rất nguy hiểm”, bác sĩ Bình nhấn mạnh. Hiện 4 nhân viên y tế của Đà Nẵng nhiễm bệnh, nguy cơ cao lây nhiễm cho nhau và cho những người khác, lây nhiễm bệnh nhân, những người sức đề kháng yếu, người nhà bệnh nhân…

Bác sĩ Bình cho rằng “nhất định phải bảo vệ lực lượng nhân viên y tế nếu muốn chống dịch thành công”.

Nhân viên y tế tỏng vùng cách ly Bệnh viện Đà Nẵng ngày 29/7. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhân viên y tế trong vùng cách ly Bệnh viện Đà Nẵng ngày 29/7. Ảnh: Nguyễn Đông.

Với các bệnh viện, cần tăng cường năng lực hệ thống y tế. Đặc biệt, tăng cường bảo hộ nhân viên y tế. Cùng với đó, thực hiện biện pháp chống dịch một cách khoa học. Mạng xã hội hiện nay nhiều thông tin giả, không chính thống. Các cơ quan chức năng cần phổi hợp xử lý nghiêm những trường hợp đăng tin sai sự thật. Người dân cũng không nên tin những thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Các bệnh viện tăng cường phòng ngừa Covid-19 bằng cách khuyến cáo người vào bệnh viện đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tổ chức sàng lọc phân luồng tốt, quản lý an toàn người bệnh và người nhà. Đặc biệt, cần quản lý nguy cơ của nhân viên thuê ngoài như: nhân viên nhà ăn, nhân viên bảo vệ, sửa chữa điều hòa, nhân viên vận chuyển chất thải y tế và các dịch vụ khác… Bài học các ca nhiễm từ nhân viên cung cấp nước ở bếp ăn Công ty Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai hồi tháng 3, là một ví dụ.

Bác sĩ Bình nhận định: “Thời gian 99 ngày không có ca lây nhiễm, người dân, chính quyền khá chủ quan”. Sau đợt một chống dịch tương đối thành công, Việt Nam mở cửa du lịch, sinh hoạt người dân tương đối bình thường. Do đo việc chủ động phòng ngừa, cảnh giác, chưa thực sự hiệu quả.

Thúy Quỳnh – Vnexpress