Ngày 11-2 (giờ địa phương), tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra thông điệp cảnh báo và lạc quan.
Nếu nhanh chóng thực hiện các biện pháp can thiệp đúng đắn đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), thế giới sẽ có cơ hội thực tế ngăn chặn dịch, bằng không các ca nhiễm và chi phí sẽ gia tăng.
Trên cơ sở các dịch bệnh đã xảy ra trong quá khứ, các dự báo của WHO và những gì chúng ta đã biết về Covid-19, kênh truyền hình LCI đã đưa ra ba giả thiết.
Giả thuyết 1: Dịch bị ngăn chặn và kết thúc
Những người tự tin nhất hi vọng dịch Covid-19 sẽ được khu trú ở Trung Quốc. Khả năng này có thể thành công nhờ các biện pháp hạn chế đi lại và cách ly chưa từng có ở tâm dịch tỉnh Hồ Bắc.
WHO đánh giá đến nay chính nhờ các biện pháp quyết liệt này mà 99% số ca nhiễm chỉ xảy ra tại Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, như tiến sĩ dịch tễ học Gabriel Leung – trưởng khoa y tế công cộng thuộc Đại học Hong Kong nhận định, rất nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh.
Cùng lúc đó, một mạng lưới quốc tế các nhà nghiên cứu đã thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu về dịch bệnh.
Trả lời phỏng vấn độc quyền với Hãng tin Reuters hôm 11-2, giáo sư Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) – chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học và hô hấp của Trung Quốc – đã đưa ra kịch bản lạc quan nhất.
Dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 4-2020 sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện ở một số tỉnh Trung Quốc và số ca nhiễm mới giảm.
Nếu trường hợp này xảy ra, dịch có bị hạ gục hay không phụ thuộc vào ý chí của từng quốc gia.
Theo Đài LCI, chính phủ các nước có thể dựa vào “Kế hoạch toàn cầu về chuẩn bị dịch cúm” đã được WHO công bố năm 2005. Kế hoạch này liệt kê các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Giả thuyết 2: Dịch sẽ tự suy yếu
14 năm sau khi WHO triển khai “Kế hoạch toàn cầu về chuẩn bị dịch cúm”, báo cáo có tiêu đề “Chỉ số an ninh y tế toàn cầu” được WHO công bố năm 2019 nhận định an ninh y tế quốc gia trên thế giới về cơ bản vẫn còn yếu kém.
Báo cáo ghi nhận chưa tới 5% các nước chứng minh đủ khả năng phản ứng nhanh chóng với dịch bệnh và hạn chế dịch bệnh lây lan.
Đây là lý do vì sao tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định chúng ta chỉ đang đối phó với “phần nổi của tảng băng chìm” và “tình hình nhiễm bệnh có thể tăng tốc”.
Lời cảnh báo này muốn nói đến các ca nhiễm virus corona chủng mới ở nước ngoài của những người chưa từng đến Trung Quốc.
Đây còn là chủng virus có thể lây lan qua các cá nhân không bộc lộ triệu chứng nhiễm theo kết quả công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet (Anh).
Các nhà nghiên cứu ghi nhận có thể có hơn 75.800 người nhiễm bệnh ở khu vực Vũ Hán và nhiều thành phố khác biến thành ổ dịch do “xuất khẩu” các ca nhiễm không bộc lộ triệu chứng.
Trả lời báo The Guardian (Anh), Tiến sĩ Gabriel Leung tính toán nếu tính theo mức độ mỗi ca nhiễm có thể lây cho khoảng 2,5 người khác, COVID-19 sẽ đủ sức lây cho gần 2/3 dân số thế giới.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Richard Webby (Mỹ) và là thành viên của WHO, Covid-19 chỉ có thể kéo dài một thời gian trong năm.
Ông giải thích với trang web y tế Stat News (Mỹ): “Chủng virus này không chịu được nóng và ẩm. Chúng thích điều kiện khô và se lạnh đặc trưng của mùa đông và mùa xuân”.
Giả thuyết 3: Dịch biến thành đại dịch
Trong trường hợp Trung Quốc không thể ngăn chặn Covid-19 và dịch không bị ngăn chặn trước cuối mùa đông, chúng ta sẽ phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất.
Dịch sẽ trở thành đại dịch, tức lúc đó Covid-19 trở thành “tác nhân gây bệnh lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trên toàn thế giới” theo định nghĩa của WHO.
Để dự báo số người sẽ trở thành nạn nhân, hiện nay các chuyên gia vẫn còn thiếu dữ liệu, đặc biệt về số bệnh nhân hồi phục. Số liệu Trung Quốc cung cấp về số ca hồi phục cũng có thể ít hơn thực tế.
Để biết đoạn kết cơn dịch Covid-19 này, đến nay vẫn còn nhiều điểm quan trọng chưa được biết đến như mức độ gây tử vong của dịch đến đâu, dịch lây truyền như thế nào và các biện pháp kiểm soát sẽ dẫn đến tác động gì.
Theo HOÀNG DUY LONG – Tuổi Trẻ