Phát biểu của bác sĩ Qiao Jie, Giám đốc Bệnh viện số ba Bắc Kinh trong buổi hội thảo hôm 4/3 tại Vũ Hán, với hy vọng các quốc gia rút ra được kinh nghiệm từ chính những người trong cuộc.
Ông cho biết, hầu hết nhân viên y tế đều thiếu kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm về phổi. Do đó, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế là cách để đối phó với Covid-19 từ tình trạng bệnh nhẹ đến nặng, đồng thời tự bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn.
“Ngay cả việc mặc hoặc cởi bộ đồ bảo hộ đòi hỏi đội ngũ y tế phải được đào tạo”, bác sĩ Qiao nhấn mạnh.
Hiện, Covid-19 đã xuất hiện tại 84 quốc gia, vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12, khiến hơn 95.000 người nhiễm bệnh, trong đó gần 3.300 ca tử vong và 53.600 người được chữa khỏi.
Các ca nhiễm mới giảm ở Trung Quốc đại lục nhưng đang tăng lên nhanh chóng tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Iran, Italy. Hàn Quốc hiện ghi nhận hơn 5.600 ca nhiễm, Italy là hơn 3.000, và Iran gần 3.000. Italy đang là quốc gia có số người chết do nCoV cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đại lục, với 107 trường hợp.
Bác sĩ Du Bin, Bệnh viện Liên hiệp Bắc Kinh, đến Vũ Hán để cứu chữa cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ giữa tháng 1/2020, cho rằng để ngăn chặn truyền nhiễm trong các bệnh viện, yếu tố quan trọng là việc lên kế hoạch.
“Bạn phải lên kế hoạch cho tất cả các ca nghi nhiễm Covid-19 trong khu cách ly người có triệu chứng sốt, bệnh nhân ngoại trú hay thậm chí là các bệnh nhân nội trú. Ngoài ra, bạn phải có khả năng để làm các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cho những bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm virus, và cách ly từng trường hợp bị nghi nhiễm trước khi xác nhận hay loại bỏ các trường hợp này”, ông Du nói.
Do đó, để phòng ngừa, hãy chuẩn bị và lên kế hoạch trước đồng thời phải tăng cường đào tạo nhân viên y tế, giúp họ đối phó với các bệnh truyền nhiễm một cách an toàn. Đây là bài học từ việc xử lý ổ dịch nCoV, được các bác sĩ Trung Quốc cảnh báo cộng đồng y tế thế giới trong cuộc họp cùng ngày.
Ngoài ra theo ông Du, các kế hoạch phải được lập ra nhằm đối phó dịch bệnh, các bệnh nhân bị nhiễm và những người từng tiếp xúc với họ. Cũng như cung cấp các cơ sở để cách ly, theo dõi, kiểm tra và truy tìm những người bị nghi mang theo nguồn bệnh.
Đặc biệt, để khống chế dịch bệnh cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, không chỉ các y bác sĩ mà còn cả các nhân viên xã hội, lực lượng hậu cần.
“Chúng ta cần chung sức và hỗ trợ lẫn nhau, từ y bác sĩ, đến cảnh sát, người giao hàng…Đó là cách duy nhất kiểm soát dịch bệnh, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới”, ông Du nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các bác sĩ Trung Quốc cũng đang góp phần vào cuộc chiến thế giới chống dịch bệnh bằng cách tổ chức các cuộc thử nghiệm lâm sàng về vaccine. Bác sĩ Cao Bin, Phó Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Trung – Nhật, cho biết hiện hai cuộc thử nghiệm lâm sàng về thuốc kháng virus Remdesivir đang diễn ra suôn sẻ. Kết quả sẽ được chia sẻ với cộng đồng quốc tế ngay khi các xét nghiệm được hoàn thành, dự kiến vào cuối tháng tư.
Bác sĩ Li Haichao, Bệnh viện số Một Đại học Bắc Kinh, việc xây dựng một cơ chế để chia sẻ kiến thức thông tin đến người dân là cách để đối phó các trường hợp bị bệnh nặng hoặc nguy kịch.
“Covid-19 là một căn bệnh mới. Do đó, chúng ta đã thiết lập một cơ chế đa ngành để truyền thông kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm đến tất cả mọi người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp đẩy lùi dịch bệnh”, ông Li kết luận.
Thùy An (Theo SCMP ) – Vnexpress