AstraZeneca, tập đoàn dược phẩm sinh học toàn cầu đến từ Anh và Thụy Điển vừa được Bộ Y tế cấp phép cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tại Việt Nam. Ông Nitin Kapoor – Chủ tịch Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam trao đổi với VnExpress định hướng phát triển tại thị trường này.
– AstraZeneca đã chuẩn bị gì để xuất nhập khẩu thuốc tại Việt Nam?
– Để đảm bảo công ty vận hành theo các tiêu chuẩn cao nhất trong ngành, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc đảm bảo độ an toàn và chất lượng cho dược phẩm, cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên.
AstraZeneca sẽ mang lại hơn 500 việc làm trình độ cao trong lĩnh vực khoa học y sinh, dược phẩm, quản trị doanh nghiệp, từ đó mang đến cho nhân tài người Việt nhiều cơ hội phát triển chuyên môn và tham gia vào hệ thống AstraZeneca toàn cầu.
Ngoài việc xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, chúng tôi cũng được Bộ Y tế cho phép thực hiện các hoạt động giám sát nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu hỗ trợ đầu tư thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước.
Là một phần trong cam kết của tập đoàn nhằm thúc đẩy khoa học phát triển, mang lại các loại thuốc giúp thay đổi cuộc sống, AstraZeneca luôn dẫn đầu hoạt động thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam thông qua mạng lưới hơn 130 đơn vị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng rộng khắp cả nước.
Từ năm 2013 đến 2019, công ty đã đầu tư khoảng 773 tỷ đồng (xấp xỉ 37 triệu USD) để hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. 28 nghiên cứu đang thực hiện không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 3.300 bệnh nhân Việt Nam tham gia mà còn tiếp thêm niềm tin cho hàng triệu bệnh nhân Việt Nam.
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược sẽ tác động thế nào đến hoạt động của công ty tại Việt Nam?
– Đây là bước tiến lớn cho AstraZeneca trong việc chuyển đổi mô hình vận hành để bệnh nhân tiếp cận sớm hơn với các giải pháp điều trị tiên tiến, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam như cam kết của chúng tôi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân chuyến thăm của ông đến trung tâm sản xuất lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu tại Södertälje, Thụy Điển vào giữa năm 2019. Đây cũng là dấu mốc quan trọng giúp chúng tôi có thêm bước tiến lớn trong việc chuyển đổi mô hình vận hành để mang đến những giải pháp điều trị tiên tiến, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế Việt Nam.
Chúng tôi cảm kích sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan cấp bộ và các đối tác tại Việt Nam để AstraZeneca tiếp tục thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong ngành dược phẩm Việt Nam. Việc được phép xuất, nhập khẩu thuốc sẽ giúp công ty phục vụ tốt hơn cho người bệnh tại Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và góp phần phát triển đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
– Công ty có những kế hoạch phát triển thế nào tại Việt Nam?
– Có mặt tại Việt Nam suốt 25 năm qua, AstraZeneca đã góp phần cải thiện sức khỏe cho cộng đồng khắp cả nước. Chúng tôi đặt mục tiêu đi đầu trong sứ mệnh giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm qua việc xây dựng một hệ sinh thái lấy bệnh nhân làm trọng tâm. Với hệ sinh thái đó, công ty muốn mang lại những cải thiện tích cực trong suốt hành trình chăm sóc sức khỏe: từ nhận thức – phòng ngừa bệnh, đến chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh sau điều trị.
Giữa năm 2019, ông Leif Johannson – Chủ tịch Tập đoàn AstraZeneca đã công bố khoản đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) giai đoạn 2020-2024 tại Việt Nam. Với khoản đầu tư này, công ty sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong nước, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở.
Một số điển hình là chương trình “Vì lá phổi khỏe” hợp tác với Cục Quản lý khám chữa Bệnh, Bộ Y tế và ba hội chuyên ngành tại Việt Nam nhằm nâng cao công tác quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay chương trình “Sức khỏe thanh thiếu niên” hợp tác với Plan International giúp giới trẻ tạo lập lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe thể chất và ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm từ giai đoạn sớm.
Minh Anh – Vnexpress