Thất bại ê chề của ĐT Philippines trước ĐT Kyrgyzstan trong lượt trận cuối vòng bảng C- Asian Cup 2019, cho chúng ta ngộ ra một điều rằng: Đừng bao giờ trông chờ vào quá nhiều các cầu thủ nhập tịch!
Nói về cầu thủ nhập tịch, đặc biệt khi nhìn vào đội hình của ĐT Philippines, chúng ta có thể thấy rằng họ là những người có trình độ chuyên môn cơ bản, có thể hình, thể lực và được đào tạo ở những môi trường có nền bóng đá phát triển bậc nhất thế giới hiện nay!
Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao Philippines lại thất bại, thậm chí không những thất bại trước các đối thủ rất mạnh mà còn thất bại cay đắng, thất bại ê chề trước những đối thủ được đánh giá thấp hơn nhiều về trình độ chuyên môn, đẳng cấp và kinh nghiệm?
Đội hình đội tuyển bóng đá nam Philippines tại Asian Cup 2019. Ảnh: Asian Cup
Có nhiều điều để nói cho thất bại của một đội bóng và cũng có nhiều thứ để bàn khi đội bóng đó có quá nhiều các cầu thủ nhập tịch. Cho dù, các nhà quản lý, những người hâm mộ môn thể thao vua thì rất mong muốn đưa nền bóng đá của đất nước này phát triển vượt bậc, nhanh chóng thoát khỏi “Vũng lầy” vùng trũng Bóng đá Đông Nam Á đang trở thành thương hiệu ngày càng được nhiều người hâm mộ bóng đá thế giới biết đến.
Nhưng, chúng ta thì không biết người khác suy nghĩ điều gì trong đầu họ; một cá nhân dù là bình thường cho đến những con người xuất chúng, khi được hi sinh cho gia đình, được cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc thì đó trở thành niềm tự hào vô bờ bến cho không chỉ bản thân họ, điều đó là thiêng liêng và có thể biến một con người bình thường thành một chiến binh thực thụ, một tập thể bình thường thành một đội quân thiện chiến, tinh nhuệ sẵn sàng vượt qua tất cả mọi đối thủ và sẵn sàng vượt qua ngay cả bản thân mình.
Trong bóng đá cũng vậy, một cầu thủ khi được vinh dự khoác lên mình chiếc áo của Đội tuyển quốc gia thì đó là một vinh dự to lớn, niềm tự hào lớn lao của từng cá nhân, của gia đình và cả xã hội, trong lòng họ luôn có hình ảnh về Tổ quốc, về tình yêu dân tộc, về niềm tự hào, tự tôn để từ đó mặc nhiên trở thành tiềm thức và khát khao cống hiến cho dù có đổ máu trên sân đấu.
Đức Huy bị mất trí nhớ tạm thời trong “cuộc chiến đấu” quả cảm của các cầu thủ ĐT Việt Nam trước các cầu thủ ĐT Iran
Sự bạc nhược của một tập thể lộ rõ khi chúng ta thấy một ĐT Thái Lan thất bại thảm hại (1-4) trước ĐT Ấn Độ, nhưng chỉ sau đó vài ngày họ lại lật ngược tình thế với khí thế, uy lực vũ bão đúng như tinh thần của “Những chú voi chiến”- Bởi vì niềm tự tôn dân tộc của họ, bởi vì trong trái tim, tình cảm của họ luôn cháy một tình yêu Tổ quốc vô bờ bến mà không một thứ gì có thể khuất phục họ- và khi đó họ vượt qua chính mình cũng là lúc họ vượt qua đối thủ.
Philippines cũng thất bại, nhưng thất bại của họ có nhiều điều để nói hơn: Họ thất bại Trước Hàn Quốc- Đội bóng hàng đầu châu Á và là ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch chỉ 0-1 (một kết quả rất tốt); nhưng ít ngày sau thì họ lại thất bại với một tỷ số quá tệ hại trước đội bóng cũng đang có nhiều vấn đề trong những năm qua là Trung Quốc với tỷ số 0-3; và thất bại ê chề, cây đắng trước một ĐT Kyrgyzstan được đánh giá còn yếu hơn mình và lần đầu tham dự giải với tỷ số 1-3… Thất bại “ngày càng đi lên của họ” cho thấy một tinh thần ngày càng rệu rả của một đội bóng không có tinh thần chiến đấu với những con người không thể vượt qua được chính bản thân mình.
Cho dù tài năng đã được khẳng định và không cần bàn cãi, nhưng HLV Sven-Göran Eriksson không phải là “Phù thủy” để phù phép tinh thần dân tộc cho những cầu thủ nhập tịch của ĐT Philippines
Khi một đội bóng thất bại theo kiểu bạc nhược thì người dân đất nước ấy sẽ cảm thấy rất nhục nhã và tức giận, các tuyển thủ thì buồn tủi, đau đớn và dằn vặt… là vì họ cảm thấy như niềm tin bị phụ bạc, là hi vọng đã bị dập tắt và lòng tự hào, tự tôn dân tộc bị xúc phạm.
Nhưng, với những quốc gia toàn cầu thủ nhập tịch thì có thể khác. Với Philippines, Bóng đá không phải là môn thể thao vua được yêu thích nhất; đa số cầu thủ của họ là nhập tịch- đồng nghĩa với việc ngoài trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, cùng với một chút tình cảm yêu mến ra, chắc có lẽ các nguồn lực bên trong họ sẽ rất hạn chế thậm chí là không hề tồn tại như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc… khi đó, họ chỉ chiến đấu cho bản thân mình, khi không vượt qua được bản thân mình thì họ sẽ không còn động lực nào để chiến đấu, cho dù họ có một vị HLV tài năng nổi như cồn thì ngoài chuyên môn ông cũng không thể làm gì hơn để khơi lên ngọn lửa chiến đấu của các chiến binh trong con người của mỗi cầu thủ nhập tịch.
Vậy nên, nếu bất quá mà có nhập tịch đi nữa thì hãy học hỏi Malaysia hoặc Thái Lan chứ đừng bao giờ bê nguyên đai, nguyên kiện với một đội hình hầu hết các cầu thủ nhập tịch như ĐT Philippines.
Bởi vì, là con người chứ không phải là máy móc để mà nhập khẩu nguyên chiếc khi có nhiều tiền hay khi một đất nước có tham vọng cho sự đột phá và phát triển!