Theo Reuters, khoản tiền trên được Apple đưa ra nhằm giải quyết vụ kiện tập thể tại California, cáo buộc hãng này âm thầm làm giảm hiệu năng iPhone cũ sau khi ra iPhone mới. Thỏa thuận đạt được hôm 28/2 nhưng còn đợi sự phê chuẩn từ Thẩm phán Edward Davila tại tòa án quận ở San Jose.
Trước đó, đơn kiện tập thể yêu cầu Apple phải trả 25 USD (cao nhất 46 USD) với mỗi iPhone bị ảnh hưởng, có thể nhiều hoặc ít hơn tùy vào số lượng máy đủ điều kiện, với tổng tiền tối thiểu 310 triệu USD. Số còn lại gồm tiền thuê luật sư (93 triệu USD) và các chi phí khác (1,5 triệu USD). Tổng số tiền bồi thường là 500 triệu USD.
Trong đơn kiện, các model được đề cập gồm iPhone 6, 6 Plus, 6s, 6s Plus, 7, 7 Plus và iPhone SE dùng iOS 10.2.1 trở lên. Bên cạnh đó, một số iPhone 7 và 7 Plus chạy iOS 11.2 bán trước ngày 21/12/2017 cũng bị ảnh hưởng.
Apple chưa đưa ra bình luận nào. Trong khi đó, nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho nguyên đơn cho rằng thỏa thuận mà công ty Mỹ đưa ra “công bằng, hợp lý và đầy đủ”.
Kể từ bản iOS 10.2.1, Apple đã âm thầm tích hợp “tính năng” làm chậm iPhone đời cũ nhằm tránh việc chai pin. Tuy nhiên, hãng đã không giải thích rõ ràng cho đến khi vấn đề bị phát hiện cuối năm 2017.
Khi bị phát hiện, công ty giải thích việc giảm hiệu suất nhằm tránh các trường hợp iPhone tắt nguồn đột ngột do pin cũ, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp… Ngược lại, các chuyên gia cho rằng Apple khiến người dùng lầm tưởng iPhone chậm do hết vòng đời, cần phải thay pin hoặc mua máy mới.
Apple sau đó đã xin lỗi người dùng, đồng thời triển khai chương trình thay pin với giá ưu đãi từ 79 USD xuống còn 29 USD tại nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài Mỹ, nhiều vụ kiện liên quan đến việc Apple giảm hiệu năng iPhone cũng xảy ra tại nhiều nơi, gồm Trung Quốc, Italy, Hàn Quốc, Pháp, Brazil… và cả Việt Nam. Chính phủ Mỹ sau đó cũng điều tra bê bối này.
Bảo Lâm – Vnexpress