Ăn Tết bằng trợ cấp thất nghiệp

Giờ này năm ngoái, anh Công nhận thưởng Tết hơn 20 triệu đồng nhưng hiện tại, anh đã thất nghiệp tròn 12 tháng.

8h sáng ngày đầu tuần, Trung tâm dịch vụ việc làm (quận Cầu Giấy) chật kín người đi làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp. Anh Công (nhân vật đã đổi tên) ngồi hàng ghế cuối, kế bên là một đồng nghiệp. “Bao nhiêu năm làm chung giờ đi lĩnh thất nghiệp cùng nhau. Nghĩ cũng vui”, người đàn ông nói và cho biết anh cùng bạn đã 9 tháng cùng nhau đi lĩnh trợ cấp thất nghiệp vào ngày 25 hàng tháng.

Ăn Tết bằng trợ cấp thất nghiệp
Anh Công điền thông tin vào tờ đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, sáng 25/1. Ảnh: Phan Dương.

Họ từng công tác trong một công ty bao bì ở quận Hoàng Mai. Năm ngoái, công ty tái cơ cấu, nhân sự và lương đều bị cắt giảm nhưng điều khiến anh buồn là cơ chế quản lý mới khiến nhiều người bất mãn, nhiều người bị thôi việc.

Gắn bó với công ty suốt 19 năm, anh nhớ chính xác từng cái tay nắm cửa bị mất đinh ốc. Nơi đây có những người đồng nghiệp đã có mặt trong những dấu mốc quan trọng đời anh: kết hôn, sinh con, thăng chức, hiếu hỉ… “Có hôm pha ấm trà, bất giác gọi tên ‘lão bạn’ mới sực nhớ ra ‘lão’ nghỉ việc hàng tháng trước đó rồi”, anh kể.

Anh Công cũng trăn trở và quyết định nộp đơn xin nghỉ cuối năm đó. Người đàn ông 45 tuổi, có hai con đang học lớp 1 và 10, dự định ăn Tết xong sẽ xin việc. Nhưng Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam ngày 28 Tết. Đại dịch phá hỏng mọi kế hoạch tìm việc mới của anh. Suốt từ tháng 2 tới tháng 5 anh hầu như chỉ quanh quẩn ở nhà. Chiếc ôtô trả góp mua từ cuối năm trước, định chạy xe công nghệ nhưng nằm xó ba tháng, anh đành trả lại để không mắc nợ thêm.

Một sáng tháng 6, lần đầu tiên Công được gọi đi phỏng vấn. Hôm đó người đàn ông cao chừng 1m7 bước vào một cao ốc ở Hồ Tây, dự tuyển làm phó phòng nhân sự một công ty bất động sản. Đối thủ của anh là năm ứng viên đều dưới 27 tuổi. Anh nghe họ nói nhiều thuật ngữ chuyên ngành bất động sản bằng tiếng Anh, người chia sẻ từng làm ở công ty nước ngoài, nhảy việc chục lần rồi. Bỗng anh nhận ra mình lạc lõng.

Cuộc phỏng vấn đó cũng giống các cuộc phỏng vấn trong các tháng tiếp theo, đều lặp lại kịch bản “chúng tôi sẽ thông báo kết quả sau”. Có một điều khác là anh ngày càng trở nên thờ ơ. “Tôi chẳng buồn hay thất vọng, vì tôi biết điểm yếu của mình là tuổi tác”, Công nói.

Điều anh thấy được an ủi là mỗi tháng nhận được 9 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền này là “cứu tinh” để góp với vợ chi tiêu gia đình. Thông thường, vợ chồng anh hay chi vào Tết 30-40 triệu đồng, trong đó 10 triệu cho đào và quất. “Năm nay gãy một nửa thu nhập, chắc phải hà tiện thôi”, người đàn ông chỉnh lại gọng kính, thở dài.

Công không phải là trường hợp hiếm hoi. Tổng cục thống kê từng cho biết cả nước có đến 32,1 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19.

Ăn Tết bằng trợ cấp thất nghiệp - 2
Anh Dũng, 50 tuổi, quận Hai Bà Trưng, từng là trợ lý giám đốc cho công ty bảo hiểm hàng không ở Ninh Bình, bị giảm lương, dẫn tới nghỉ việc. Cũng như anh Công, anh Dũng xác định “tuổi của mình khó tìm được việc”. Ảnh: Phan Dương.

“Người ta làm lớn mất lớn. Vợ chồng tôi có cái quán cóc nhỏ cũng bị đánh cho tan tác nữa là”, chị Phan Thị Thành (quận Bắc Từ Liêm) than, trong lúc đang đợi đến lượt tại Trung tâm dịch vụ việc làm, sáng 26/1.

Thời điểm này các năm trước là “mùa gặt” của vợ chồng chị. Anh Phú – chồng chị – có một xe bán bánh mỳ và các đồ vặt trên phố cổ. Trước và sau Tết, lượng khách, đặc biệt khách du lịch ngoại quốc tấp nập đổ về. Chị Thành lúc này cũng ngơi việc ở công ty, chuyển sang phụ giúp chồng. Có những ngày họ bán được 300-400 chiếc bánh mỳ. Mỗi vụ Tết có thể để ra được vài chục triệu tiền lãi.

Năm nay thu nhập của họ chỉ bằng “nửa năm ngoái”. Dịch bệnh khiến anh Phú “nằm nhà” suốt ba tháng. Khi tình hình dịu đi, anh mở lại hàng nhưng bán không được nổi 10 chiếc bánh mỗi ngày, đành dẹp quán. Bốn tháng nay anh làm shipper.

Còn chị Thành bị nghỉ việc từ tháng 6 do công ty cắt giảm nhân sự. Từ đó chị kiếm việc buôn bán lặt vặt. Trong nhà giảm chi tiêu và tiết kiệm tối đa. Hồi tháng 7, túng quá, cặp vợ chồng rút sổ tiết kiệm 60 triệu ra để chi tiêu. Tới tháng 11, số tiền hết veo.

Vài hôm nữa nhận được 2.780.000 đồng trợ cấp thất nghiệp, chị Thành dự định dành 500.000 đồng mua cho hai đứa con bộ quần áo mới, số còn lại để mua sắm đồ ăn. Thông lệ mỗi năm anh chị biếu ông bà nội 3 triệu, tặng ông bà ngoại cây đào to, rượu tây và lì xì mỗi người 1 triệu. Năm nay khoản này sẽ không còn nữa. “Chắc ông bà sẽ hiểu cho mình thôi”, chị Thành bảo.

Ăn Tết bằng trợ cấp thất nghiệp - 4
Do tác động của Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Phan Dương.

Chị Nguyễn Thu Hà (Đại Mỗ) cũng đang đếm từng ngày đến hôm nhận được khoản 2,7 triệu đồng trợ cấp thất nghiệp – thường sẽ có sau một tuần khai báo. Chị đã tính hết sẽ tiêu vào những việc gì. “Đưa cho mẹ chồng 2 triệu đi mua đồ mặn ăn Tết, còn lại sẽ mua bánh kẹo nhưng sợ không đủ”.

Mấy năm nay anh chị luôn cố tiêu Tết trong khoảng 15 triệu đồng tiền thưởng của vợ lẫn chồng. Năm nay, Hà, làm tạp vụ cho một công ty mỹ phẩm Nhật Bản, mất việc từ tháng 4. Chồng chị làm công nhân đúc đồng cũng bị giảm lương mất 4 tháng. Từ lúc đó, nỗi lo tiền bạc thường trực trong chị. Người phụ nữ hai con nhớ chính xác từng con số: 2.080.000 đồng học thêm của thằng lớn, 940.000 đồng học phí mẫu giáo của thằng nhỏ. “Nếu không có khoản này tôi thật không biết xoay xở ra sao”, chị nói.

Trong những tháng chờ xin việc, Hà phụ chị chồng bán rau ở chợ Đại Mỗ, kiếm đồng ra vào mua thức ăn hàng ngày. Đầu tháng trước chị bị đau bụng, chồng giục đi khám mà chị bảo “Nằm nghỉ một lúc là khỏi”. Sang ngày thứ tư anh đành nghỉ việc đưa vợ đi viện. Hôm đó Hà khám ra bệnh dạ dày, tốn 1,8 triệu đồng. Suốt quãng đường về chị càu nhàu chồng: “Để im cũng khỏi”.

Một năm thất nghiệp chắc chắn chi tiêu Tết cũng phải “chặt”. Nhà chị sẽ cắt giảm chỉ còn đào hoặc quất, gói ghém mua quần áo mới cho cả nhà trong khoảng 2 triệu đồng. “Hai vợ chồng đặt kế hoạch năm nay mua một bàn thờ mới mà không thành”, chị cho hay.

Hơn 10 giờ sáng, màn hình hiện đến số 2244. Anh Công đi về phía ô cửa, tuần tự điền thông tin vào hai trang A4 của tờ đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là tháng cuối cùng được hưởng khoản này, nhưng điều anh Công lo là duy trì bảo hiểm như thế nào để được hưởng chế độ nghỉ hưu. Đa số đồng nghiệp của anh đã chọn kinh doanh tự do. Anh vẫn còn tham vọng đi làm, chỉ là không biết cơ hội còn mở với mình không.

Chỉ sau năm phút anh và người đồng nghiệp đã điền thông tin xong. Họ ra xe, mỗi người đi về một hướng. Anh Công nói với theo: “Ăn Tết vui vẻ nhé!”.

Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2020, khoảng 1,03 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 24% so với năm 2019. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cầu Giấy, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 20%. Giám đốc trung tâm Tạ Văn Thảo cho biết, cao điểm nhất vào tháng 5, trung tâm tiếp nhận gần 11.700 hồ sơ, tăng hơn 40%.

Phan Dương – Vnexpress