Ấn Độ điều tiêm kích, trực thăng tới gần biên giới Trung Quốc

Ấn Độ triển khai trực thăng Apache và nhiều đơn vị tiêm kích đến các căn cứ tiền phương ở Ladakh, gần nơi xảy ra ẩu đả với Trung Quốc.

“Trung Quốc đã vượt lằn ranh đỏ khi sát hại dã man 20 binh sĩ Ấn Độ trong cuộc tấn công được lên kế hoạch từ trước ở thung lũng Galwan, phía đông Ladakh, hôm 15/6. Chúng tôi sẵn sàng đối phó động thái leo thang căng thẳng, mọi biện pháp cần thiết đã được thực hiện”, quan chức quốc phòng Ấn Độ giấu tên hôm nay cho biết.

Quân đội Ấn Độ đang triển khai hàng loạt khí tài hiện đại đến các căn cứ tiền phương ở Ladakh gồm trực thăng vũ trang AH-64 Apache mang tên lửa dẫn đường Hellfire, trực thăng vận tải hạng nặng Chinook có khả năng đưa pháo và binh sĩ tới những điểm cao gần biên giới.

Ấn Độ điều trực thăng, tiêm kích tới gần biên giới Trung Quốc
Tiêm kích, trực thăng Ấn Độ hoạt động ở Leh, thủ phủ vùng Ladakh, hôm 19/6. Video: ANI.
   

Tiêm kích đa năng Su-30MKI, chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 và cường kích Jaguar cũng được điều tới gần biên giới. Không quân Ấn Độ cũng lập cầu hàng không từ thành phố Chandigarh tới Ladakh, sử dụng vận tải cơ chiến lược C-17 Globemaster III, C-130J Super Hercules và An-32 để nhanh chóng vận chuyển binh sĩ và khí tài đến sát biên giới.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã kích hoạt toàn bộ căn cứ không quân ở biên giới phía bắc và đông bắc giáp với Trung Quốc. Tư lệnh không quân Ấn Độ R K S Bhadauria bí mật thăm thành phố Leh và Srinagar hồi giữa tuần để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu tại vùng Ladakh.

Quân đội Trung Quốc cũng tăng cường lực lượng dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) dài 3.488 km, vốn được coi là biên giới giữa hai nước. Bắc Kinh xây dựng thêm nhiều lô cốt gần thung lũng Galwan, đồng thời bổ sung các phi đội tiêm kích hạng nhẹ J-8 và hạng nặng J-11, cùng oanh tạc cơ chiến lược đến căn cứ Hotan và Kashgar ở Tây Tạng.

Không quân Trung Quốc có thể triển khai khoảng 20 trung đoàn tiêm kích từ 8 căn cứ gần biên giới với Ấn Độ. Tuy nhiên, hầu hết là sân bay dân sự nằm ở độ cao lớn, gây bất lợi cho hoạt động của chiến đấu cơ.

“Độ cao của các căn cứ không quân Trung Quốc tại Tây Tạng và Tân Cương, cùng với địa hình, thời tiết khó khăn trong khu vực khiến tiêm kích của họ chỉ có thể mang theo khoảng một nửa vũ khí và nhiên liệu so với thiết kế”, Trung tâm Belfer có trụ sở tại Mỹ nhận xét.

Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.
Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tối 15/6 tại thung lũng Galwan. Lục quân Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này thiệt mạng, trong đó có đại tá Santosh Babu, chỉ huy Tiểu đoàn Bihar 16, trong khi 18 người đang được điều trị vì vết thương nặng.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin hơn 40 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng và bị thương trong vụ ẩu đả. Bắc Kinh xác nhận có thương vong nhưng không nêu số cụ thể.

Đây được coi là vụ đụng độ tồi tệ nhất giữa hai bên trong 4 thập kỷ, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự quy mô lớn giữa hai cường quốc hạt nhân châu Á. Giới chức hai nước đang nỗ lực giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán và đối thoại, tránh leo thang thành xung đột quân sự, song vẫn đổ lỗi cho nhau về vụ ẩu đả và cảnh báo lẫn nhau trong các tuyên bố công khai.

Vũ Anh (Theo Times of India) – Vnexpress