Việc ông Mai Tuấn Anh ký Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV cho phép các đơn vị trực thuộc từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác đang gây ra nhiều cãi. Đặc biệt, dư luận đặt ra câu hỏi: Ai là người ký tờ trình xin ban hành quyết định này.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trước khi ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), ký Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC chính là người đã ký tờ trình xin HĐTV VEC ban hành quyết định này.
Cụ thể, vào ngày 28.12.2018, ông Nguyễn Văn Nhi đã ký tờ trình số 3609/TTr-VEC về việc xin ban hành quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác.
Tờ trình này nêu rõ: Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, Tổng Giám Đốc VEC kính trình HĐTV xem xét, ban hành quy định về từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác. Kèm theo tờ trình này là hàng loạt các quy định chung được đưa ra để trình lên Chủ tịch HĐTV VEC ký ban hành Quyết định 13.
Xin nhắc lại, theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chỉ có Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định 46 không có một quy định này cho phép doanh nghiệp tự ý ban hành các quy định và tự thực hiện xử lý vi phạm đối với các phương tiện đi trên đường cao tốc mà có các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Chỉ có quy định tại Khoản 3, Điều 14 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT có quy định: “Xe vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn cầu, đường bắt buộc phải di chuyển ra ngoài phạm vi đường cao tốc để khắc phục vi phạm và bị xử lý theo quy định. Đơn vị khai thác, bảo trì có quyền từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ theo quy định đi vào đường cao tốc, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời”.
Điều khiến dư luận bức xúc nhất chính là việc từ chối phục vụ các phương tiện của VEC vừa gây xôn xao dư luận trong thời gian qua lại không chứng minh được các phương tiện vi phạm vào Khoản 3, Điều 14 Thông tư 90/2014/TT-BGTVT. Điều này, cho thấy VEC có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng tới “quyền tự do đi lại” được nêu trong Hiến pháp, luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Để rộng đường dư luận về nội dung các quy định được VEC ban hành trong Quyết định 13, trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội), khẳng định: “Việc VEC tự sáng tạo ra các quy định để từ chối các phương tiện tham giao giao thông là trái pháp luật. Trong trường hợp VEC ban hành văn bản nội bộ cho cấp dưới nhưng lại áp dụng với những người bên ngoài, người tham gia giao thông thì vẫn là trái luật”.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Đường quốc lộ, cao tốc,… là cơ sở hạ tầng của quốc gia, không phải là tài sản riêng của doanh nghiệp mà doanh nghiệp có quyền cho người này đi và cấm người khác… Không có quy định nào của pháp luật cho phép doanh nghiệp tự ý ban hành quy định cấm phương tiện”.
“Đối với các phương tiện vi phạm luật giao thông thì đã có quy định của pháp luật từ xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại dân sự cho đến xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.
Theo danviet.vn