Trung Quốc phát thông điệp ngang hàng với Mỹ

Trong cuộc họp với giới chức cấp cao Mỹ tại Alaska tháng trước, thay vì nhún nhường “chìa cành oliu

Như dự đoán của các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì, trợ lý đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Washington rút lại những chính sách thù địch nhắm vào Bắc Kinh từ thời Donald Trump.

Tuy nhiên, ông Dương còn gây bất ngờ với bài phát biểu dài 16 phút, “lên lớp” Mỹ về vấn đề sắc tộc và nhân quyền của nước này. Các quan chức Trung Quốc cho hay mục tiêu của họ là làm rõ rằng Bắc Kinh giờ đây coi mình “bằng vai phải lứa” với Washington.

Theo bình luận viên Lingling Wei và Bob Davis của Wall Street Journal, đây là thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của giới lãnh đạo Trung Quốc, những người suốt nhiều thập kỷ qua luôn cẩn trọng và tránh thách thức vị trí của Mỹ trên thế giới, tuân theo chính sách “giấu mình chờ thời” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Một số quan chức Trung Quốc thậm chí còn gọi Mỹ một cách hài hước là “đại ca”.

Giờ đây, ông Tập dường như cho rằng thời cơ của Trung Quốc đã đến và đang tái định hình mối quan hệ với Mỹ.

“Trung Quốc giờ có thể nhìn ra thế giới ở mức độ ngang hàng”, ông Tập phát biểu trong phiên họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh hồi đầu tháng 3. Truyền thông Trung Quốc sau đó diễn giải rộng rãi rằng bình luận này là lời tuyên bố Bắc Kinh không còn phải ngước nhìn Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc hội đàm ở Anchorage, bang Alaska, Mỹ, hôm 18/3. Ảnh: CNN.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc hội đàm ở Anchorage, bang Alaska, Mỹ, hôm 18/3. Ảnh: CNN.

Các bình luận viên của WSJ còn chỉ ra rằng trong khi Mỹ thường xuyên mô tả Trung Quốc là đối thủ chiến lược, Bắc Kinh từ trước tới nay hiếm khi sử dụng cụm từ này, mà nhấn mạnh những khái niệm như “đôi bên cùng có lợi” và hợp tác.

“Một trong những thay đổi rõ ràng hơn về thái độ của Bắc Kinh là họ giờ đây thừa nhận sự tồn tại của cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia, điều chưa bao giờ được đề cập trong quá khứ”, Wang Huiyao, cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho hay.

Quan hệ Mỹ – Trung vốn đã lao dốc trầm trọng dưới thời Trump. Sau khi chiến tranh thương mại kéo dài hai năm tạm ngừng với một thỏa thuận đầy thận trọng, Trump lại không ngừng công kích Trung Quốc về đại dịch Covid-19, trong khi Bắc Kinh kịch liệt phủ nhận các cáo buộc.

Tình hình vẫn không thay đổi sau khi Biden tiếp quản Nhà Trắng. Theo các nguồn tin am hiểu vấn đề, phía Bắc Kinh đã tìm cách sắp xếp một cuộc họp cấp cao giữa hai bên trước cả khi Tổng thống Mỹ nhậm chức, nhưng bị từ chối. Thay vào đó, chính quyền Biden liên tục nói về kế hoạch hợp tác cùng các đồng minh để đối phó Trung Quốc.

Trước cuộc họp ở Alaska, Mỹ một lần nữa báo hiệu cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, bằng cuộc họp trực tuyến giữa Biden và lãnh đạo các nước Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng bay tới Tokyo và Seoul để trao đổi với các đối tác. Chỉ một ngày trước cuộc họp ở Alaska, Mỹ còn áp lệnh trừng phạt hơn 20 quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị cáo buộc hạn chế quyền tự trị của đặc khu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đối ngoại Mỹ đánh giá Washington đã đi quá đà. “Càng cố khẳng định quyền lực của mình đang không suy yếu, lập luận của bạn càng kém thuyết phục hơn”, Jeffrey Bader, quan chức cấp cao về Trung Quốc dưới thời Bill Clinton và Barack Obama, nêu ý kiến.

Trong cuộc họp ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Ngoại trưởng Blinken chỉ trích những hành động của Trung Quốc tại Hong Kong và Tân Cương, cũng như thái độ đe dọa Đài Loan. Đáp lại, ông Dương Khiết Trì công kích những vấn đề nhân quyền “sâu xa” của Mỹ, đồng thời tuyên bố Washington “không đại diện cho dư luận quốc tế”.

Ông Dương còn cảnh báo Washington không thách thức Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, hòn đảo mà họ coi là một phần lãnh thổ chờ thống nhất theo chính sách “Một Trung Quốc”. Giới quan sát đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc có thể dẫn tới xung đột đáng lo ngại như thế nào.

“Trung Quốc lo ngại về khả năng Mỹ can dự sâu thêm vào vấn đề Đài Loan dưới thời Biden. Họ đang ngày càng tăng áp lực lên hòn đảo, đồng thời gửi thông điệp đến Mỹ rằng tốt hơn hết nên cẩn thận”, Bonnie Glaser, nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.

Mỹ cam kết giúp đảo Đài Loan duy trì quyền tự chủ theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, dù vẫn đồng ý với chính sách “Một Trung Quốc”. Đội ngũ của Biden cũng khẳng định kế hoạch tăng cường hợp tác với hòn đảo. Trong khi đó, Bắc Kinh coi vấn đề Đài Loan là “lằn ranh đỏ” và “không có chỗ cho thỏa hiệp”.

Các bình luận viên của WSJ nhận định có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, bất chấp một loạt động thái quân sự gần đây. Ngay sau cuộc họp giữa giới chức Mỹ – Trung tại Alaska, ông Tập đã thị sát tỉnh Phúc Kiến, phía bên kia eo biển Đài Loan. Các máy bay quân sự Trung Quốc gần đây cũng tăng cường áp sát hòn đảo từ phía tây, trong khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh diễn tập ở phía đông, hình thành thế gọng kìm “siết chặt” Đài Loan.

Tuy nhiên, tại một hội nghị do Đại học California ở thành phố San Diego tổ chức, điều phối viên về Trung Quốc của Nhà Trắng Kurt Campbell cho hay Bắc Kinh đã trở nên “mất kiên nhẫn” với phương án thu hồi Đài Loan, theo những người dự hội nghị.

Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, hồi đầu tháng 3 cũng cảnh báo trong phiên điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Trung Quốc có thể tấn công đảo Đài Loan vào cuối thập kỷ này, có lẽ chỉ trong vòng 6 năm nữa. Một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên cho rằng Bắc Kinh có thể hành động vội vã bởi niềm tin quyền lực của Washington đang suy giảm.

Tại Trung Quốc, bài phát biểu trong hội nghị ở Alaska của ông Dương trở thành một biểu tượng, đại diện cho bước ngoặt chính sách rõ ràng so với đường lối hợp tác với Mỹ mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình theo đuổi ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan điểm này được người kế nhiệm Giang Trạch Dân tiếp nối, dẫn đến các cuộc đàm phán giữa hai nước để đưa Trung Quốc vào hệ thống thương mại toàn cầu năm 2001. Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo tiếp theo, thậm chí đi xa hơn khi chấp nhận vị thế dẫn đầu của Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông đã ký vào kế hoạch do cựu tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra, nhằm kích cầu kinh tế Trung Quốc và giúp đưa thế giới thoát khỏi suy thoái.

Trong giai đoạn đầu cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là cũng đi theo con đường tương tự. Cuối năm 2017, ông chiêu đãi Trump một bữa tối riêng tại Tử Cấm Thành, bất chấp lời đe dọa trừng phạt Trung Quốc của tổng thống Mỹ khi đó. “Chúng tôi có hàng nghìn lý do để đưa quan hệ Mỹ – Trung đi đúng hướng, và không có cớ gì để phá hỏng nó”, Chủ tịch Trung Quốc cho hay.

Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá một loạt động thái quyết liệt của Trump khiến ông Tập nghĩ rằng Mỹ đã trở thành đối tác không đáng tin cậy, dẫn đến nỗ lực giúp Trung Quốc bớt phụ thuộc vào họ, đặc biệt là về công nghệ.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là đang trong giai đoạn chạy đua tìm đồng minh. Trong vòng một tuần kể từ cuộc họp ở Alaska, Ngoại trưởng Blinken đã cùng Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) lên án chính sách ở Tân Cương của Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản, quốc gia thường dè chừng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ, dường như cũng tỏ ra xích lại gần hơn với Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hồi cuối tháng 3, sự kiện được tờ Global Times đặt tiêu đề “Trung Quốc và Nga sẽ phá vỡ gọng kìm của Mỹ với ‘trật tự thế giới'”. Ông Vương sau đó công du đến Trung Đông và ký một thỏa thuận lớn với Iran. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đáp trả những lệnh trừng phạt của EU, bằng cách đưa một loạt nghị sĩ và tổ chức châu Âu vào danh sách đen.

“Đây là một ván cược lớn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chưa chắc đã thua canh bạc này”, Daniel Russel, cựu quan chức Mỹ phụ trách vấn đề Trung Quốc dưới thời Obama, nhận định.

Ánh Ngọc (Theo WSJ) – Vnexpress