Ngày 22-3, chính quyền Philippines đã gửi phản đối tới Trung Quốc về “sự hiện diện bầy đàn và gây đe dọa” của tàu Trung Quốc ở Biển Đông và yêu cầu rút các tàu này khỏi khu vực, theo Hãng tin Reuters.
“Sự hiện diện bầy đàn và gây đe dọa của họ tạo ra bầu không khí bất ổn định, và rõ ràng coi thường cam kết của Trung Quốc về việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực” – Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích.
Trước đó một ngày, các quan chức Philippines cho biết đã phát hiện khoảng 220 tàu – được cho là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển – neo đậu tại Đá Ba Đầu hôm 7-3. Đây là rạn san hô có hình chữ V thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 22-3 giải thích rằng các tàu xuất hiện tại Đá Ba Đầu chỉ tàu cá và đang trú ẩn do điều kiện xấu trên biển.
“Không có sự hiện diện của dân quân biển Trung Quốc như cáo buộc. Bất kỳ suy đoán nào như vậy đều không giúp ích gì, mà còn gây ra sự tức giận không cần thiết” – Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cùng ngày nói rằng tàu Trung Quốc lúc đó đang trú ẩn để tránh gió gần Đá Ba Đầu. “Chúng tôi tin rằng điều này là rất bình thường và hi vọng tất cả các bên xem xét dựa trên lý trí” – bà Hoa lập luận.
Hôm 21-3, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines nói rằng sự hiện diện các tàu dân quân biển của Trung Quốc tại Đá Ba Đầu rõ ràng là “hành động quân sự hóa khu vực” và gây “khiêu khích”. Ông thúc giục Trung Quốc đưa các tàu này ra khỏi khu vực.
Theo Hãng tin Reuters, ông Jay Batongbacal, chuyên gia về Biển Đông tại Đại học Philippines, đánh giá chính “chính sách hữu nghị” của Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines – thúc đẩy “gần Trung, xa Mỹ” – chịu trách nhiệm cho các vụ xâm nhập như trên.
Theo BÌNH AN – Tuổi Trẻ