Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đồ án) dự kiến phê duyệt vào tháng 6, tổng diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 11.000 ha; riêng sông Hồng chiếm 3.600 ha, đất bãi sông khoảng 5.480 ha (chiếm 50% tổng diện tích).
Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh; phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt…, các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… (diện tích khoảng 1.190 ha).
Ngoài ra, trên các bãi sông còn đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, công nghiệp (kho bãi, bến cảng).
Đồ án đề xuất việc quản lý, sử dụng bãi sông tuân thủ quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (quy hoạch 257). Trong đó, 5 khu vực được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức; riêng khu vực Tàm Xá – Xuân Canh nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Các bãi sông này được định hướng xây dựng khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở sinh thái chất lượng cao, công trình công cộng đô thị phục vụ dân cư hai bên bờ sông và nội đô. Do là bãi sông, các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng…
Hai khu vực Long Biên – Cự Khối, Bắc Cầu – Bồ Đề và những bãi còn lại tùy theo địa hình, vị trí sẽ được định hướng phát triển không gian mở, với các loại hình công viên – quảng trường đô thị, công viên ngập lũ, phục hồi tự nhiên và không gian sinh thái nông nghiệp vị trí các bãi sông.
Trên cơ sở quy hoạch 257 và quy hoạch chung xây dựng thủ đô (quy hoạch 1259), đồ án nêu các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ, như: Thượng Cát – Liên Mạc; Nhật Tân – Tứ Liên; Hoàng Mai – Thanh Trì; Chu Phan – Tráng Việt; Tàm Xá…; các khu dân cư phải di dời, như Đông Ngạc – Nhật Tảo…
Các khu dân cư ven sông được tồn tại (diện tích khoảng 1.165 ha) định hướng cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị và được mở rộng diện tích dân cư hiện có (khoảng 60 ha), để bổ sung hạ tầng xã hội, xây dựng các khu nhà ở phục vụ giãn dân, tái định cư tại chỗ.
Ngoài ra, theo quy hoạch 257, các khu dân cư hiện tập trung đông dân sinh sống trong không gian thoát lũ tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, chưa rõ sẽ bị di dời hay được tồn tại, bảo vệ. Đồ án đề xuất theo hướng, cho phép bổ sung các khu dân cư này vào danh mục được phép tồn tại.
Với các khu dân cư lâu đời ở Bắc Cầu, Bồ Đề (quận Long Biên), đồ án nêu còn có sự chưa phù hợp giữa các quy hoạch. Theo đó, căn cứ quy hoạch 1259 thì các khu dân cư này được giữ lại, còn quy hoạch 257 là di dời.
Để giải quyết các vướng mắc nêu trên, trước mắt thành phố Hà Nội cần lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, sử dụng các bãi sông và các khu dân cư, qua đó xác định rõ nơi nào được tồn tại, bảo vệ hay cần di dời. Trên cơ sở ý kiến của bộ quản lý chuyên ngành, cơ quan chức năng sẽ tham mưu UBND thành phố các bước tiếp theo.
Ở góc độ chuyên gia được thành phố xin ý kiến cho đồ án, GS.TS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) nói “điểm đáng hoan nghênh của đồ án này là mật độ xây dựng ở các bãi sông rất thấp, khác hẳn đồ án phía Hàn Quốc từng đề xuất”.
“Mặt nước, thảm cỏ xanh như cái trục không gian công cộng lớn của Hà Nội. Trong tuyến cảnh quan đó có điểm nhấn quan trọng nhất là ngã ba sông Tứ Liên – Hồ Tây – Cổ Loa, đây là điểm đặc biệt quan trọng của đồ án và có giá trị tâm linh với Hà Nội trong tương lai”, ông Thông nêu ý kiến.
Ông kiến nghị, các khu vực dân cư đang hiện hữu có thể giãn dân hoặc để nguyên không di dời, nhưng quan trọng nhất là không xây thêm các công trình cao tầng để kinh doanh mà bổ sung, hoàn thiện các công trình thiết yếu, dân sinh qua đó nâng cao chất lượng sống của người dân.
“Phần còn lại là không gian xanh mặt nước dọc tuyến sông, hàm chứa những giá trị văn hóa cần phải khai thác rộng hơn để trở thành biểu tượng của thủ đô”, ông Thông nói.
Là người dân sinh sống ở bãi sông Hồng, ông Nguyễn Hữu Trình, Bí thư chi bộ thôn Hai (xã Đông Dư) cho hay những ngày qua thường xuyên theo dõi thông tin về quy hoạch đô thị ven sông.
Ông mong đợi quy hoạch sớm triển khai để thay đổi bộ mặt của vùng quê. Nhưng ông cũng băn khoăn “không biết hình hài bãi Đông Dư – Bát Tràng, khu đất nông nghiệp cuối cùng của thôn, nguồn sống của hơn 1.700 hộ dân, sẽ như thế nào trong tương lai”.
Nằm ở tả ngạn sông Hồng với diện tích hàng trăm ha, hơn 30 năm trước, bãi Đông Dư sình lầy, đầy hố mương do đào đất đắp đê sông Hồng. Người dân trong thôn trồng lúa sau đó chuyển sang chuyên canh trồng ổi từ năm 2002. “Tôi mong thành phố đưa ra bản quy hoạch khoa học, hợp lý và sớm có cơ chế chuyển đổi việc làm cho người dân phù hợp với định hướng phát triển đô thị ven sông”, ông Trình nói.
Cách xã Đông Dư 20 km về phía Bắc, quy hoạch đô thị sông Hồng cũng là chủ đề được nhiều người dân tổ dân phố Đông Ngạc 1, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) bàn tán thời gian gần đây. Tổ dân phố diện tích 90 ha, với hơn 265 hộ dân, 1.000 nhân khẩu nằm trong số 12 khu dân cư ngoài đê của Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn An, 60 tuổi, Tổ trưởng dân phố Đông Ngạc 1, cho biết, khu dân cư thuộc làng Đông Ngạc cũ, tồn tại lâu đời. Do xói lở bờ sông, diện tích đất bị thu hẹp dần. Từ năm 2011, khu vực được quy hoạch dự án trồng tre chắn sóng, người dân không được mở rộng diện tích xây dựng nhà ở, công trình.
“Chúng tôi đã sống nhiều thế hệ trên mảnh đất này, có láng giềng, họ hàng thân thiết, không ai muốn dời đi cả. Quy hoạch là của chung thành phố, chúng tôi sẽ chấp hành nhưng hy vọng chính quyền có phương án tái định cư tại chỗ phù hợp”, ông An nói.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đến nay sau 10 năm có quy hoạch chung, thành phố đã hoàn thành 86% quy hoạch phân khu.
Võ Hải – Tất Định – Gia Chính – Vnexpress