Sau Bitcoin, một loại tiền ảo mới có tên Pi cũng đang thu hút rất nhiều người Việt tham gia đào với ước mơ thành “tỉ phú” vào một ngày đẹp trời không xa.
Theo hướng dẫn, những người muốn tham gia kiếm tiền Pi chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại thông minh, tạo tài khoản, đăng nhập và mỗi ngày đều đặn vào ứng dụng bấm nút là xong. Việc đào tiền ảo sẽ do hệ thống và ứng dụng đảm nhiệm. Người dùng không phải tốn bất kỳ chi phí nào thêm, thậm chí các hoạt động khác trên điện thoại cũng không bị ảnh hưởng.
Bạn có quyền hằng ngày đi nhặt sỏi đá về nhà và ước mơ đến ngày nào đó biết đâu đấy thế giới sẽ công nhận sỏi đá đó có giá trị như vàng, nhưng hãy cân nhắc những được mất khi tham gia.
TS ĐẶNG MINH TUẤN (viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng CMC)
Những cộng đồng “Pi network”
Như vậy, công việc đào Pi được giới thiệu chỉ đơn giản như thao tác “check-in” trên mạng xã hội Facebook mỗi ngày, không ảnh hưởng gì đến các công việc khác của người chơi.
Chính nhờ công việc tưởng đơn giản này nên “công cuộc” đào tiền ảo Pi đang sốt xình xịch khi thu hút hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam tham gia.
“Chúng ta không còn cơ hội với Bitcoin nữa rồi, vậy nên chuyển sang đào Pi thôi. Chỉ một cú nhấp chuột mỗi ngày, mời bạn bè cùng chơi. Chẳng mất gì mà biết đâu vài năm sau dự án thành công, mỗi đồng Pi trị giá vài chục đô thì sao” – Đức Danh (Thủ Đức, TP.HCM), một người tham gia phong trào đào tiền ảo Pi, viết trên trang cá nhân, kèm theo đó là mã giới thiệu để mời người chơi mới.
Còn anh Vinh (Phú Nhuận) cho hay sau một tháng đào Pi anh đã kêu gọi được gần 70 người tham gia đào thường xuyên và nhận về tổng cộng 1.000 Pi. “Đào Pi đâu mất gì, mất chút dung lượng điện thoại thôi mà biết đâu vài năm nữa mỗi Pi trị giá vài trăm USD thì sao. Đâu ai đánh thuế giấc mơ. Cũng tương tự như Bitcoin đâu ai nghĩ có lúc trị giá 1,2 tỉ đồng/Bitcoin”, anh Vinh nói.
Ngay khi đăng ký thành công, tài khoản của mỗi người sẽ được 1 đồng Pi. Số đồng sẽ tăng theo thời gian. Tốc độ tăng mặc định ở giai đoạn đầu là 0,1 Pi/giờ, và sẽ tăng thêm mỗi khi người dùng mời thêm người khác cùng tham gia. Chính cơ chế “thưởng” Pi khi mời được người chơi mới đã kích thích người tham gia đào Pi tích cực tìm kiếm người chơi mới.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện đã hình thành những cộng đồng “Pi network” tập hợp rất đông thành viên. Chỉ cần vào Facebook tìm kiếm từ Pi, người dùng có thể tìm thấy hàng chục nhóm (group) liên quan đến đào Pi, mua bán – trao đổi Pi với số lượng thành viên từ vài nghìn lên đến hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn.
Chẳng hạn, nhóm Pi network (riêng tư) với 158.000 thành viên, Pi network (công khai) có 145.000 thành viên, Hội mua bán trao đổi Pi network có 72.000 thành viên, Pi network Việt Nam có 33.000 thành viên…
Thành viên mới tham gia các hội nhóm đều được cộng đồng hỗ trợ đầy đủ và chi tiết cách tham gia khai thác Pi, xác minh danh tính (kỹ thuật gọi là KYC), kết nối vòng tròn bảo mật, trao đổi, mua bán Pi…
Theo ghi nhận của chúng tôi, rất đông người dùng tham gia đã vui mừng khi kiếm được những đồng tiền Pi đầu tiên mà không phải tốn công sức hay bất kỳ chi phí nào.
Thành viên K. chia sẻ từng lang thang nhiều tỉnh thành miền Nam làm đủ mọi nghề chính đáng bằng sức lao động nhưng vẫn không đủ lo cho gia đình với hai đứa con. “Và tình cờ tôi lang thang trên Facebook, thấy Pi. Và cái sự tình cờ ấy đã khiến tôi đầy ắp những mơ mộng…” – người này cho biết.
Thậm chí, có một số cá nhân còn “tiên phong” chấp nhận thanh toán bằng đồng Pi thay thế cho tiền Việt Nam. Tại TP.HCM đã có quán cà phê chấp nhận thanh toán bằng Pi.
Một sàn thương mại điện tử mua bán các sản phẩm, dịch vụ và thanh toán bằng đồng Pi cũng đã được lập ra. Trong đó danh mục hàng hóa được niêm yết trên trang gồm nhiều sản phẩm từ các sản phẩm điện tử, thời trang cho đến thực phẩm, dịch vụ… Trang này định giá 1 Pi tương đương 100.000 đồng. Người mua có thể lựa chọn các tỉ lệ trao đổi gồm: 100% đồng Pi, 50% Pi + 50% VND, 40% Pi + 60% VND hoặc 30% Pi + 70% VND.
Tuy nhiên, chiều 28-2 khi truy cập vào thì trang này đã không còn hoạt động.
“Không có bữa ăn nào hoàn toàn miễn phí”
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đặng Minh Tuấn – viện trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng CMC, phó chủ tịch CLB Fintech Việt Nam, trưởng Lab blockchain (Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) – cho rằng người dùng Việt phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc khi tham gia đào Pi.
Theo TS Tuấn – chuyên gia nghiên cứu về blockchain từ năm 2014, điều dễ thấy trước tiên là việc yêu cầu nhiều quyền truy cập vào điện thoại có thể khiến người dùng đối mặt với nguy cơ bị thu thập các thông tin riêng tư, nhạy cảm.
Về mặt kỹ thuật, TS Tuấn cho rằng đồng Pi vẫn có những rủi ro bởi toàn bộ tiền Pi đều bị kiểm soát bởi chủ dự án (không có pháp nhân công ty) – tức là người dùng phải chấp nhận không có pháp luật bảo vệ khi trao đổi, mua bán.
Bên cạnh đó, do mã nguồn Pi network đóng kín cho đến thời điểm này nên không ai biết tổng cung và không rõ số lượng Pi đang có. Từ đó có thể phát sinh rủi ro chủ dự án tự sinh ra số tiền một cách tùy ý cho riêng mình.
Ngoài ra, hiện nay đồng Pi và công cuộc khai thác nó đang nhận được sự bàn luận, quan tâm rất lớn, không chỉ trong cộng đồng mạng Việt Nam mà cả nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo ghi nhận, Pi network hiện có gần 15 triệu thành viên tham gia trên toàn cầu và hàng chục triệu người khác đang quan tâm, tìm hiểu, theo dõi…
Do đó, TS Tuấn cho rằng một điểm nữa dễ thấy ở Pi network hiện nay là cộng đồng đào Pi có thể bị dùng cho mục đích “thu tiền quảng cáo của Google, Facebook và TikTok” – giống như nhiều ứng dụng, dịch vụ công nghệ trên thế giới tiến hành khi có lượng người dùng đủ lớn.
Tương tự, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh – người thường xuyên cảnh báo cộng đồng về các vụ lừa đảo tài chính như Onecoin, Skyway, MyAladdinz… – phân tích rằng dự án Pi thật ra không hoàn toàn miễn phí. Người tham gia phải đầu tư thời gian, nguồn lực của điện thoại và đối diện với sự rủi ro về dữ liệu. Chi phí lớn nhất là sự kỳ vọng cao nhưng lại dựa vào những thông tin rất mơ hồ.
“Tổng chi phí, kể cả chi phí của niềm tin, tính ra là không thấp. Trong khi đó giá của Pi trong tương lai, nếu có, sẽ rất thấp. Người đào khó mà trở nên giàu có như nhiều người kỳ vọng. Nguyên tắc “không bao giờ có bữa trưa miễn phí” luôn đúng là vậy!” – ông Lâm Minh Chánh nói.
Cấm dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán
Ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM – cho hay theo nghị định 80/2016 của Chính phủ, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định từ năm 2014 rằng tiền ảo không phải là tiền tệ. Nếu người nào cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và chịu xử phạt theo quy định.
Theo ĐỨC THIỆN – ÁNH HỒNG – Tuổi Trẻ