Theo chính quyền TP HCM, cù lao thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ; còn tỉnh Đồng Nai cho rằng khu vực này thuộc ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Cù lao hiện có 107 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; trong đó dân TP HCM có 10 hộ, dân Đồng Nai có 38 hộ (sinh sống từ 1982) và 59 hộ từ nơi khác đến.
Liên quan vùng đất này, tháng 12/1978, Hội đồng Chính phủ có tờ trình về phân chia địa giới một số tỉnh, thành phố, trong đó gồm việc sáp nhập huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) của tỉnh Đồng Nai vào TP HCM. Tuy nhiên nhiều năm sau, Đồng Nai và TP HCM không thống nhất được ranh giới liên quan cù lao Gò Gia – khu đất nhỏ nằm giữa 2 địa phương. Hai bên nhiều lần họp bàn giải quyết nhưng không thể thống nhất.
Cuối cùng Đồng Nai và TP HCM đồng ý để Bộ Nội vụ chủ trì “phân giải”. Phương pháp giải quyết là sau khi các địa phương có ý kiến liên quan ranh giới cù lao, Bộ Nội vụ sẽ mời lãnh đạo địa phương ký xác định đường địa giới hành chính giữa hai địa phương tại khu vực chồng lấn, làm cơ sở hoàn thiện bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Đề án 513 trình Thủ tướng phê duyệt.
Đến ngày 16/3/2017, đoàn công tác liên ngành Trung ương do Bộ Nội vụ chủ trì đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TP HCM để giải quyết việc tranh chấp khu vực Gò Gia. Sau khi khảo sát thực tế và thảo luận phương án xác định tuyến địa giới hành chính, đoàn công tác đề xuất giao Gò Gia cho TP HCM.
Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai không đồng ý với đề xuất này với lý do TP HCM từng đồng ý để cù lao Gò Gia cho Đồng Nai. Cụ thể, ngày 21/2/1978, tại phiên họp bàn giao huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ), nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Vũ Đình Liệu và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Trung đã thống nhất trong biên bản “để cù lao Gò Gia cho tỉnh Đồng Nai quản lý”.
Từ sự thống nhất đó, Đồng Nai giao lâm trường Long Thành triển khai trồng rừng tại khu vực Gò Gia. Hiện khu vực Gò Gia có đường ống dẫn khí đốt từ Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ về Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và 2. Đồng Nai cho rằng việc giao Gò Gia cho tỉnh quản lý là phù hợp thực tế và tác động tích cực việc đầu tư xây dựng TP Nhơn Trạch theo quy hoạch Chính phủ đã phê duyệt.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 1957 đến 1964, cù lao Gò Gia thuộc huyện Cần Giờ, tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai). Năm 1975, Cần Giờ và huyện Quảng Xuyên nhập thành huyện Duyên Hải (thuộc tỉnh Đồng Nai). Cù lao cũng là nơi quân và dân tỉnh Đồng Nai tham gia trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là căn cứ cách mạng của Đoàn 10 Đặc công thuộc Chiến khu Rừng Sác (của tỉnh Biên Hòa cũ). Các hộ dân tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) ít nhiều có lịch sử hào hùng gắn liền cù lao này.
Qua nhiều lần làm việc giữa Bộ Nội vụ với TP HCM và Đồng Nai, đến ngày 5/12/2019, Thủ tướng có Nghị quyết về phân chia địa giới hành chính giữa hai địa phương với sự tham mưu của Bộ Nội vụ. Theo đó, cù lao Gò Gia được công nhận của TP HCM, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là điều kiện đủ để ngày 14/1 năm nay UBND thành phố gửi hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận Thạnh An là xã đảo và thực hiện chính sách ưu đãi với người dân ở đây.
Ngoài TP HCM và Đồng Nai, cả nước còn một số trường hợp “tranh chấp” địa giới hành chính kéo dài nhiều năm do lịch sử để lại giữa các địa phương, hiện chưa thống nhất được, như: khu vực Núi Vân và hòn Sơn Chà, giáp ranh thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa – Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng; khu vực Suối Xia, giáp ranh xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa và các xã Mai Hịch, Vạn Mai, huyện Mai Châu, Hòa Bình.
Một số trường hợp có thời gian tranh chấp nhiều năm vừa được Thủ tướng có Nghị quyết xác định ranh giới như giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Ninh Bình: khu vực đền Cát Đùn, giáp ranh giữa xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy và các xã Gia Hưng, Gia Hòa, huyện Gia Viễn, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan; khu vực Chín quả đồi Lim, giáp ranh giữa xã Đoàn Kết, huyện Yên Thủy và xã Thạch Bình, huyện Nho Quan;
Khu vực nông trường Quý Cao, giáp ranh các xã Quang Trung, Nguyên Giáp huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương và các xã Đại Thắng, Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng; giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tại 2 khu vực: phía bắc đảo Cát Bà giáp ranh huyện Cát Hải và thị xã Quảng Yên, TP Hạ Long; Bãi Nhà Mạc, giáp ranh huyện Hải An, huyện Thủy Nguyên và thị xã Quảng Yên.
Trung Sơn – Vnexpress