Với tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 7,07 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 22% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước trong 2018 – TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương có nguồn vốn FDI cao nhất cả nước nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn cũng như sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Chính quyền thành phố cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh khóa X đã khẳng định, năm 2018, thành phố đã có nhiều biện pháp mới trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố. Qua đó đổi mới cách thực hiện 7 chương trình đột phá; Triển khai quyết liệt Nghị quyết 54 của Quốc hội; Duy trì đối thoại của lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính…
Với những nỗ lực của Chính quyền thành phố, kết thúc năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 7,07 tỷ USD vốn FDI, chiếm 22% tổng vốn FDI cả nước. Có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đầu tư kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, hạ tầng giao thông, bán lẻ… Đây được cho là con số khích lệ để Chính quyền thành phố đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2019.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng được cải thiện qua các năm. Các chính sách về thuế, hải quan, thủ tục hành chính… ngày càng có sự cải thiện rõ rệt theo hướng tích cực nhằm tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp khi đến đầu tư kinh doanh.
Về vấn đề này, ông Takahisa Onose – Trưởng ban Tài chính – Thuế – Hải quan thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, nhiều thủ tục rườm rà, không cần thiết trong lĩnh vực thuế và hải quan của TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện rõ rệt trong năm 2018. Các doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh rất tốt, phần đông các doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại đây trong thời gian tới.
Tương tự, Hàn Quốc hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh với 1.530 dự án đạt tổng vốn hơn 4,8 tỷ USD và trong số đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã xây dựng được thương hiệu và uy tín tại thị trường Việt Nam như Samsung, Lotte, CJ…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp Hàn Quốc, môi trường hấp dẫn và chính quyền thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc là lý do khiến các doanh nghiệp này chọn thành phố là điểm đến đầu tư.
Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam ông K. Srikar Reddi – cho rằng, môi trường thuận lợi và cơ hội phát triển rộng mở là động lực thúc đẩy các thương nhân của Ấn Độ đến TP. Hồ Chí Minh khảo sát thực tế để tìm cơ hội kinh doanh. Cụ thể, vào tháng 2/2018, một phái đoàn gồm 40 thành viên của Hiệp hội thương nhân giấy Ấn Độ đã đến TP. Hồ Chí Minh và gặp gỡ các thành viên của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội thương mại và đầu tư trong ngành này. Dự kiến đầu năm 2019 sẽ có hơn 10 công ty giấy của Ấn Độ đến TP. Hồ Chí Minh để tham gia một triển lãm chuyên ngành giấy nhằm tiếp tục tiếp cận thị trường.
Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố không chỉ kêu gọi đầu tư mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động tại thành phố. Do đó thời gian tới chính quyền thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để rộng cửa chào đón các doanh nghiệp FDI đến TP. Hồ Chí Minh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 30 năm kể từ ngày nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh luôn nằm trong top những địa phương thu hút FDI nhiều nhất nước. Đến nay, Thành phố có khoảng 7.500 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 44,5 tỷ USD. |