Anh được người nhà đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu tuần trước, bác sĩ chẩn đoán là nhồi máu cơ tim cấp. Khoảng 10 phút sau, anh rơi vào hôn mê sâu, ngưng tim.
Các bác sĩ cấp cứu khoảng 45 phút, bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi, tim đập trở lại, có mạch và huyết áp. Một nhóm chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội do tiến sĩ Hoàng Văn, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đến viện Thanh Nhàn hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân. Sau 30 phút, bệnh nhân được can thiệp thành công.
Xác định đây là ca nặng, nguy cơ tử vong cao, nguy cơ mất não sau cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp tục cứu chữa.
4 bác sĩ và 5 điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Tim Hà Nội được huy động tham gia cứu ca này. Bệnh nhân được sử dụng 3 loại thuốc trợ tim, vận mạch liều cao, hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não, đặt bóng đối xung động mạch chủ mục đích hỗ trợ tạm thời tình trạng rối loạn và suy sụp tuần hoàn cho đến khi cơ tim hồi phục.
Bác sĩ Dũng, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết: “Đây là một ca rất nặng cần phải tiến hành các thủ thuật nhanh nhất để cứu. Sau khi làm xong các thủ thuật, chúng tôi phải chờ 24 tiếng để đánh giá, sau đó mới xác định bệnh nhân có qua khỏi hay không”.
Hiện, bệnh nhân đã hồi tỉnh và có thể hoạt động bình thường.
Các chuyên gia đánh giá ca nhồi máu cơ tim này sống được nhờ bác sĩ hai bệnh viện phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng.
Nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch với những biến chứng nguy hiểm, nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh xảy ra do động mạch nuôi dưỡng tim bị tắc ở một nhánh nào đó, khiến vùng cơ tim diễn tiến hoại tử, dễ dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, sốc tim, ngừng tim, đột tử do tim. Biểu hiện thường gặp là đau tức ngực, khó thở, tim loạn nhịp… Can thiệp động mạch vành trong những giờ đầu tiên được xem là biện pháp điều trị hàng đầu.
Lê Nga – Vnexpress