Các ‘ông lớn’ công nghệ đang dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ giúp Việt Nam giành được thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý, đồng thời gia tăng mối quan tâm của các đại gia công nghệ.
Các ông lớn công nghệ đang dịch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam - Ảnh 1.
Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế – Ảnh: N.BÌNH

Theo nhận định báo cáo “Vietnam at a glance” vừa được HSBC công bố, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở ngành công nghệ đã giúp Việt Nam trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong dịch, thu hút sự quan tâm của nhiều ông lớn trong ngành công nghệ thế giới.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), kết thúc tháng đầu tiên của năm 2021, vốn đăng ký mới doanh nghiệp FDI của cả nước đạt trên 1,3 tỉ USD, thông qua 47 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu tính cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, nhà đầu tư ngoại đã rót vào hơn 2,02 tỉ USD.

Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 1,51 tỉ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2020.

Mới đây, Intel công bố khoản đầu tư thêm 475 triệu USD để sản xuất các sản phẩm 5G và bộ xử lý cốt lõi. Việc mở rộng đưa xuất khẩu bộ vi xử lý của Việt Nam tăng gấp ba lần thị phần trong năm 2019.

Các chuyên gia HSBC cho biết năm qua, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam phát triển khá tốt. Nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất công nghệ chủ chốt, giành được thị phần đáng kể trong xuất khẩu điện thoại và chip xử lý.

Đặc biệt, việc chuyển hướng chuỗi cung ứng đã làm gia tăng mối quan tâm của các đại gia công nghệ tại Việt Nam.

Xu hướng gia tăng trong thương mại Mỹ – Trung căng thẳng có lợi cho Việt Nam không chỉ về thương mại bùng nổ mà còn cả FDI chuyển hướng.

Việt Nam cũng đang nổi lên như một nhà cung cấp chip xử lý, điều khiển dù loại do Việt Nam lắp ráp là loại chip có giá trị tương đối thấp. Trong khi Trung Quốc sản xuất 70% máy tính trên toàn cầu thì Việt Nam đang vươn lên sản xuất máy tính thành phẩm, hỗ trợ nhu cầu sử dụng chip.

Việt Nam đã chứng tỏ khả năng leo lên chuỗi giá trị cao hơn, phát triển thành một trung tâm sản xuất các sản phẩm công nghệ sau hai thập kỷ.

Báo cáo nhận định mặc dù quá trình này có phần bị gián đoạn do đại dịch, nhưng FDI vào công nghệ vẫn đang diễn ra tích cực, đặc biệt là các dự án liên quan đến Hãng Apple. Hãng công nghệ này đã sản xuất AirPods ở Việt Nam từ tháng 5-2020 và được cho là sẽ bắt đầu sản xuất iPad sớm nhất vào giữa năm 2021.

Đến nay, hai nhà cung cấp Apple Đài Loan, Pegatron và Foxconn, đều đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ để tăng cường năng lực sản xuất của họ tại Việt Nam. Ngoài ra, hai nhà lắp ráp Apple của Trung Quốc đại lục, Luxshare và Goertek, có tăng tuyển dụng và bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất mới từ cuối năm 2020.

Tham vọng là trung tâm sản xuất các sản phẩm công nghệ, không chỉ là cấp thấp, đang mở rộng nhưng để nắm bắt các cơ hội sắp tới, Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

“Để nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong tương lai vẫn là một nhiệm vụ ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiến lên chuỗi giá trị cao hơn. Trước tiên, cần cải thiện năng suất lao động thông qua việc giáo dục tốt hơn và đào tạo nghề nghiệp được thiết kế phù hợp hơn.

Trong khi đó, việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng đang diễn ra sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Trong năm 2021, Nhà nước cần hỗ trợ các chính sách tài khóa có mục tiêu hơn cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và người lao động”, chuyên gia HSBC nhận định.

Theo N.BÌNH – Tuổi Trẻ