“Con sẽ không theo con đường chuyên nghiệp”, Quang Hòa nói với mẹ bằng giọng quyết đoán trong những ngày tập phục hồi chấn thương đầu gối năm 2016. Khi đó, ở tuổi 19, chân chạy người Quảng Trị đã nhìn thấy con đường anh cần đi cho tương lai.
Quang Hoà sinh ra ở vùng đất khắc hình trái tim trên bản đồ của tỉnh Quảng Trị – xã Triệu Trung nằm nghiêng về phía biển và là vùng đồng bằng hiếm hoi của huyện Triệu Phong. Nơi đó, anh đã có những ngày tháng cùng bạn đến trường và được phát hiện tài năng với điền kinh.
Ngay từ lúc học cấp 2, thầy thể dục đã để ý tới những tố chất của Quang Hoà với môn chạy bộ. Người thầy ấy không chỉ bồi dưỡng, mà còn tìm cho học trò những cơ hội tham gia hội thao giữa các trường cấp xã. Cậu bé hơn 10 tuổi khi đó nhanh chóng đứng đầu và có cơ hội đi xa hơn với các giải của huyện Triệu Phong.
Bước đường thành công của Quang Hòa dường như thuận lợi. Cậu tiếp tục được cử đi thi tỉnh. Từ đây, Quang Hòa “lọt mắt xanh” của các giáo viên thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị. Hòa vào đội năng khiếu tỉnh ngày 20/5/2012, ở tuổi 15.
Cuộc sống của Quang Hòa khi đó có một mục tiêu duy nhất: tập luyện để thi đấu. Năm 2013, chàng trai 16 tuổi bắt đầu được cọ xát bên ngoài địa giới tỉnh. Tại giải Việt dã Báo Tiền Phong năm 2013, Quang Hòa giành HC bạc nôi dung 7km. Năm 2014, với tư cách thành viên Đội tuyển Điền kinh trẻ Việt Nam, anh giành hai HC vàng 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật tại giải Học sinh Đông Nam Á. Đỉnh cao đến vào năm 2016, Quang Hòa mặc áo tuyển trẻ Việt Nam, giành một HC đồng cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật tại giải Vô địch Điền kinh trẻ châu Á.
Con đường sự nghiệp với Lê Quang Hòa tưởng như rộng mở, với định hướng trở thành VĐV điền kinh chuyên nghiệp. Nhưng một biến cố xảy ra năm 2016 đã thay đổi tất cả.
Một định hướng khác cho tương lai
Bị quá tải trong tập luyện, Quang Hòa liên tiếp chấn thương trong năm 2016. Đầu năm, vết đau ở lưng khiến anh bị gián đoạn tập luyện, chỉ có thể tập các bài phục hồi nhẹ nhàng. Tiếp đó, chàng trai Quảng Trị gặp chấn thương nặng hơn, rách sụn chêm nên phải mổ gối để lấy đi phần sụn bị rách. Đây là lúc Quang Hòa nghĩ anh sẽ không bao giờ có thể chạy bộ và quay lại đường đua cùng đồng đội nữa.
Khi có thời gian ngừng lại sau những năm tháng bị cuốn vào vòng xoáy tập luyện – thi đấu, Quang Hòa nhìn nhận rõ hơn hướng đi của bản thân. Nửa năm điều trị và tập phục hồi đầu gối, với sự hỗ trợ của mẹ, chân chạy sinh năm 1997 cũng tâm sự với bà về băn khoăn của bản thân.
Lớn lên trong gia cảnh khó khăn, ngoài giờ học, Quang Hòa phải ra đồng cấy gặt giúp bố mẹ. Ngay cả khi tập luyện ở đội tuyển tỉnh, anh vẫn theo học văn hoá hệ chính quy. Mục tiêu thi vào Học viện Cảnh sát, Quang Hòa chọn học khối A. Nhưng vì đam mê thể thao, nên khi tốt nghiệp trung học, anh không thi đại học mà chọn ra Đà Nẵng tập luyện tại đội tuyển điền kinh trẻ quốc gia. Trước khi dính chấn nặng phải lên bàn mổ, trăn trở lớn nhất của Quang Hoà là theo sự nghiệp thể thao đỉnh cao, hay chỉ xem đó như nghề tay trái.
Trên thế giới, hàng trăm VĐV Kenya xem điền kinh là con đường nhanh nhất để thoát nghèo. Nhưng ở Việt Nam, thể thao nói chung và chạy bộ nói riêng vẫn là vùng đất ít màu mỡ, khó gắn bó nghề nghiệp trọn đời. Và như hàng nghìn VĐV năng khiếu khác, Quang Hòa có tài năng, có cơ hội phát triển, nhưng vẫn băn khoăn giữa lựa chọn trở thành VĐV chuyên nghiệp, hay xem chạy bộ như một cuộc chơi.
Ca phẫu thuật đầu gối là lúc Quang Hòa đưa ra lựa chọn và được mẹ động viên, ủng hộ. Hành động cụ thể ngay sau đó là anh tập trung ôn và thi đỗ vào Đại học Kiến trúc Đà Nẵng ở kỳ thi tuyển sinh đại học 2017.
“Thể thao mang đến cho tôi rất nhiều điều từ sức khỏe, thu nhập, duy trì niềm yêu thích chạy bộ…, nhưng đó chỉ là đam mê. Tôi muốn có sự nghiệp thật sự với một ngành nghề khác. Mục tiêu của tôi là sẽ ra trường với tấm bằng xuất sắc”, Quang Hòa nói với .
Theo chân chạy Quảng Trị, có nhiều yếu tố để anh quyết định không theo hướng thể thao chuyên nghiệp. Độ tuổi của VĐV quá ngắn, đến một mức nhất định sẽ không thể chạy nhanh và tốt như trước. Chấn thương cũng là một rào cản và khó đoán định. Ngoài ra, còn là sự bấp bênh ở những tháng ngày không ổn định phong độ. Vì thế, một con đường song song, vừa chạy bộ và giúp đỡ phát triển cộng đồng, vừa học tập lo cho tương lai sẽ giúp anh cân bằng.
Không từ bỏ và kiên trì là niềm tin Hòa mang theo trong quá trình tập luyện phục hồi. Năm thứ hai đại học, chân chạy này quay lại với chạy bộ. Lần này là thử sức ở cự ly dài. Quang Hòa dự Techcombank International Marathon vào tháng 12/2018. Đó là lần đầu tiên anh chạy một giải marathon. Kết quả, Quang Hòa về nhì trong nhóm VĐV người Việt, cự ly 42,195km. “Đó là một khởi đầu tuyệt vời cho giấc mơ tương lai trên đường đua marathon”, anh nói.
Từ đây, cái tên Lê Quang Hòa trở nên quen thuộc ở các giải chạy phong trào. Anh đứng đầu hầu hết các giải góp mặt, như Marathon Huế 2020 (với thành tích 2 giờ 33 phút 35 giây), Marathon Quy Nhơn 2019 (2 giờ 41 phút 57 giây), Longbien Marathon 2019 (2 giờ 36 phút 59 giây)… Anh cũng là một trong bốn VĐV Việt Nam đạt chuẩn dự giải chạy danh giá nhất thế giới Boston Marathon năm 2020 tại Mỹ. Nhưng sự kiện này sau đó phải tổ chức online vì Covid-19.
Cân bằng giữa tập luyện và học tập
Theo đuổi sự nghiệp thi đấu thể thao khi đồng thời là sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng khiến Quang Hoà rất bận rộn. Một ngày, anh dậy từ 4h30 và ra sân tập. Bài tập thường kéo dài từ 5h tới 6h30. Sau đó, Quang Hoà về tắm rửa, ăn sáng và tới trường. Rời trường, Hòa trở lại sân tập từ 17h tới 18h30. Buổi tối, chàng sinh viên này dành để học bài. Nếu ít bài, anh sẽ học tới 23h. Nhưng khi phải làm bài tập lớn, buổi học có thể kéo dài tới 2h sáng.
Là Lớp trưởng một lớp Khoa Xây dựng, Quang Hoà còn tham gia ban chấp hành Đoàn khoa và bận rộn với công việc của trường. Lịch tập luyện vì thế được duy trì từ thứ Ba tới Chủ nhật. Một tuần, Hoà nghỉ tập ngày thứ Hai. Giáo án tập do chính anh tự lên, với khoảng 12 đến 15km chạy mỗi ngày. Ngày cuối tuần có những bài chạy dài, anh sẽ phải hoàn thành quãng đường từ 25 đến 30km.
Lúc bình thường, Quang Hoà vẫn xoay trở ổn thoả với lịch tập luyện và học tập như vậy. Nhưng vào những dịp phải đi xa để thi đấu, anh chấp nhận bỉ ảnh hưởng đến lịch học, thậm chí chậm lại giáo trình. Khi dự Marathon Quy Nhơn 2019, Quang Hoà kết thúc bài thi tại trường ngày thứ Bảy rồi phải di chuyển ngay vào từ Đà Nẵng vào để kịp buổi chạy đua sáng chủ nhật. “Việc học bị gián đoạn và và đôi khi học chậm, nhưng tôi đã cố gắng sắp xếp để trả dần”, anh khẳng định.
Năm năm sau khi quyết định từ bỏ giấc mơ thi đấu chuyên nghiệp, Quang Hoà tự tin rằng anh đã đi đúng con đường. Vừa học vừa thi đấu ở các giải chạy chuyên và bán chuyên, Quang Hòa tích lũy được thành tích, danh tiếng, nhưng vẫn giữ được sự cân bằng cần thiết cho cuộc sống.
“Tôi đam mê chạy dài, nó cũng giống những thử thách khác trong cuộc sống của tôi. Khó khăn đến mấy, tôi vẫn luôn cố gắng hết sức để vượt qua chính mình và về đích”, anh nói.
Hiện Quang Hoà đặt mục tiêu giúp đỡ những người cùng đam mê chạy bộ để mở rộng cộng đồng chạy tại Việt Nam, rồi từ đó, phát triển các chương trình thiện nguyện qua chạy bộ. Chàng sinh viên năm thứ tư cũng muốn kiếm được công việc phù hợp ngành học ngay khi ra trường.
Thuỳ Liên – Vnexpress