– Sang nước ngoài sinh sống nhiều năm, anh nhớ gì về cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ?
– Tôi không chỉ có một cái Tết đầu tiên mà có tới 2-3 cái. Năm thứ nhất, tôi bồi hồi và nhớ nhà da diết nhưng đến những năm sau, tâm trạng ấy vẫn không thay đổi. Tôi chợt nhận ra đó là nỗi lòng chung của những người con xa quê. Dù bận rộn với công việc và vật chất đủ đầy thì mỗi khi Tết đến, xuân sang, chúng tôi vẫn thấy trống vắng như thiếu một điều gì đó.
– Anh thấy Tết của cộng đồng người Việt ở Mỹ khác gì so với Tết tại quê nhà?
– Khác nhiều lắm. Khi còn ở Việt Nam, mỗi dịp Tết đến, tôi cùng gia đình quân quầy, chia nhau nhau dọn dẹp và trang trí nhà cửa rồi về quê thăm ông bà, các cậu, các dì; đi chợ hoa; đi tảo mộ… Phải nói rằng Tết Việt Nam là ngày lễ đặc biệt rất trong năm bởi mang đầy ý nghĩa và sự thiêng liêng. Chúng ta, dù lập nghiệp nơi đâu vẫn muốn hướng về quê hương mỗi dịp Tết.
Ở Mỹ, dù là ngày Tết, mọi người vẫn đi làm và sinh hoạt chẳng khác gì thường nhật. Nếu Tết Việt trùng ngày nghỉ, chúng tôi mới có thời gian đi chợ người Việt mua sắm cành đào, cây mai, vài món bánh mứt để trưng cho có không khí. Những năm gần đây, công việc kinh doanh cũng như nghệ thuật của tôi ở hải ngoại rất ổn nên tôi thường chạy show xuyên Tết nhưng không quên trang trí nhà riêng, văn phòng công ty… Dù không trọn vẹn như Tết quê nhà, Tết ở Mỹ vẫn hân hoan không kém vì tôi được gặp gỡ các anh em nghệ sĩ trong những đêm diễn nhừng năm mới. Những show diễn cũng là cầu nối giữa nghệ sĩ với đồng hương tại hải ngoại.
– Kể từ khi sang Mỹ, anh về nước đón Tết được mấy lần?
– Tôi chỉ về được duy nhất một lần vào năm 2016. Và dịp hồi hương ấy cũng đầy kỷ niệm bởi tôi kịp ra mắt album đầu tay cũng như dự án âm nhạc Nếu có một khoảng cách – sản phẩm được coi là đánh dấu con đường nghệ thuật tại hải ngoại của tôi.
Rất lâu mới được hội ngộ khán giả trong nước, tôi chạy show gần như hết Tết để thỏa mãn nỗi nhớ sân khấu. Tôi tổ chức một mini concert ở phòng trà Đồng dao và biểu diễn trong nhiều chương trình đón xuân ở TP HCM. Chưa khi nào tôi hạnh phúc đến thế, vì được hát trên quê hương, nhưng vẫn tiếc vì bạn bè nghệ sĩ bận chạy show cuối năm nên không có nhiều cuộc gặp gỡ ôn chuyện cũ.
– Trong mâm cơm ngày Tết ở Mỹ, anh chú trọng những món ăn gì để lưu giữ nét cổ truyền của người Việt?
– Nhiều năm nay, tôi duy trì thói quen ăn chay vào những ngày lễ lớn, đặc biệt dịp Tết. Mâm cơm cúng đêm Giao thừa của gia đình tôi gồm các món chay, được bày biện đẹp mắt để tỏ lòng thành kính. Ngoài ra, tôi vẫn sắm bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu và nhiều loại mứt ngon để đãi khách. Nhờ vậy, tôi cảm nhận được hương vị ngày Tết đậm đà ngay trong căn nhà của mình ở Mỹ.
– Anh thường làm gì vào sáng mùng 1?
– Sau khi cúng Giao thừa, cả nhà tôi cùng nhau đi chùa cầu bình an. Tại California nơi tôi sống, có nhiều ngôi chùa lớn là không gian tâm linh cho những người châu Á, người Việt cũng hay lui tới để gửi gắm mong ước về cuộc sống vạn điều thuận lợi trong năm mới. Ngoài ra, tôi không quên lì xì cho người thân và nhận về những lời chúc sức khỏe, thành công từ họ.
– Năm nay, anh dự định đón Tết thế nào để đảm bảo sức khỏe trong mùa Covid-19?
– Đầu tiên, tôi muốn nói đến tâm trạng hụt hẫng, tiếc nuối khi một số nghệ sĩ gạo cội ở Việt Nam và hải ngoại lần lượt ra đi trong những ngày cuối năm. Mỗi ngày, tôi đều theo dõi các tin tức trên mạng và chua xót khi phải chứng kiến những điều đó. Tôi đã trải qua giai đoạn sợ đọc báo vì liên tục tiếp nhận những tin buồn của làng giải trí trong khi nước Mỹ cũng chưa thoát khỏi bóng đen dịch bệnh. Tết năm nay, tôi thấy nặng nề hơn những năm trước.
May mắn, chính phủ Mỹ đã bắt đầu cung cấp vaccine miễn phí đến người dân và California là một trong số những tiểu bang được áp dụng sớm nhất. Nhờ vaccine, nỗi sợ bệnh tật được giảm bớt. Chúng tôi như có thêm động lực để suy nghĩ về chuyện đón Tết thế nào thật vui, trọn vẹn nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch.
Năm ngoái, nhóm nghệ sĩ hải ngoại gồm tôi, người mẫu Đức Tiến, ca sĩ Phạm Khánh Hưng, ca sĩ Nguyễn Hồng Nhưng cùng các anh chị khác xúng xính áo dài đi dạo chợ hoa ở thương xá Phước Lộc Thọ thuộc khu Little Saigon để chụp ảnh. Năm nay, chúng tôi hạn chế tiếp xúc nên những hoạt động như thế phải hủy bỏ. Tôi chủ động mua sắm, trang trí nhà cửa và đón xuân theo cách của riêng mình. Mỗi khi ra đường, tôi đeo khẩu trang và trong túi luôn có chai nước rửa tay sát khuẩn.
Sân khấu hải ngoại buộc đóng cửa, các chương trình nghệ thuật mừng năm mới cũng phải hủy. Tôi không được hát cho khán giả nghe dù biết họ rất háo hức đón chờ các nghệ sĩ vào dịp Tết. Một tháng trước, tôi và nhóm L&L cùng êkíp của anh Phạm Khánh Hưng ra mắt một MV nhạc xuân gồm chuỗi các ca khúc được yêu thích nhất vào dịp Tết. Đó là món quà mà nghệ sĩ hải ngoại gửi đến khán giả Việt trong nước cũng như ở nước ngoài để họ có món ăn tinh thần trong dịp Tết “cô Vy” khó quên này.
– Anh dự định làm gì trong năm mới Tân Sửu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát?
– Tôi có vô vàn dự định về nghệ thuật, kinh doanh đang ấp ủ và chờ ngày được thực hiện. Tôi mong muốn xây dựng hình ảnh người nghệ sĩ đa tài, không đơn thuần chỉ là một ca sĩ, tôi muốn chứng minh bản thân có năng khiếu trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mong muốn được khán giả đón nhận.
Lam Trà thực hiện – Ngoisao.net