Dự án 15.000 tỷ ở Chùa Hương: Nguy cơ văn hóa tâm linh bị “méo mó”

Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, khi cho phép xã hội hóa đầu tư vào khu vực có giá trị tâm linh, vấn đề người dân lo ngại nhất là không cẩn thận khu vực tâm linh đó mất đi giá trị truyền thống, rồi rơi vào tay những đại gia.

Từ câu chuyện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh có quy mô 1.000ha ở khu vực chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với tổng vốn đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng đang gây nhiều bàn cãi, PV Dân Việt đã trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội..

Thưa ông, trong vấn đề xã hội hóa đầu tư hiện nay, dường như có không ít doanh nghiệp tìm cách chuyển hướng đầu tư vào văn hóa tâm linh?

– Có thể nói hiện nay trong đầu tư công chúng ta đang thiếu vốn, đây là một trong những hạn chế cần lưu tâm trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề này Quốc hội đã bàn thảo nhiều. Vì lý do thiếu vốn đầu tư, vì lý do có những việc do Nhà nước đứng ra làm nhưng có nhiều việc Nhà nước không cần đứng ra nên mới dẫn tới chủ trương xã hội hóa.

Chúng ta đã thực hiện việc xã hội hóa tương đối tốt trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục… Trong những năm qua nổi lên việc có những nhà đầu tư, bên cạnh việc đầu tư vào các dự án liên quan đến phát triển kinh tế, họ chuyển hướng sang đầu tư kết hợp phát triển kinh tế xã hội với văn hóa tâm linh.

Du khách đi lễ hội chùa Hương năm 2018. (Ảnh: Lê Hiếu)
Du khách đi lễ hội chùa Hương năm 2018. (Ảnh: Lê Hiếu)

Ông có thể nói rõ những lo ngại của cử tri và người dân cũng như suy nghĩ của cá nhân?

– Thứ nhất, khi cho phép đầu tư vào lĩnh vực văn hóa tâm linh người dân đặt vấn đề, có hay không có sự quy hoạch, có hay không có sự tính toán cân nhắc để gìn giữ, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt các khu tâm linh mang tính đặc sắc của quốc gia, ví dụ như chùa Hương (Hà Nội). Việc phát triển phải trên quy hoạch tổng thể, có chủ trương, chứ không phải cứ chỗ nào “ngon ăn” thì nhà đầu tư nhảy vào.

Thứ hai, quá trình đầu tư đó có được định hướng, có được chỉ đạo, có được bàn thảo về mặt khoa học, có sự tham gia của các nhà văn hóa, các chuyên gia và người dân để việc đầu tư sẽ không làm lệch chuẩn các giá trị liên quan đến văn hóa tâm linh hay là đại gia nào nhiều tiền thích đầu tư gì, thích vẽ, đúc gì thì làm, mở đường kiểu gì cũng được.

Điều này làm ảnh hưởng tới cảnh quan của di tích, như công trình xuyên lõi di sản Tràng An (Ninh Bình) vừa phải tháo dỡ. Những thứ gì thiêng liêng trở thành tiềm thức của người dân cần phải xem xét, cân nhắc khi cho đầu tư.

Thứ ba, việc đầu tư đương nhiên phải có sự bù đắp trở lại, nhưng nếu biến đầu tư vào văn hóa tâm linh rồi thành kinh doanh đến mức độ làm méo mó đi hệ thống văn hóa tâm linh, hay nói cách khác là mất giá trị thì rất nguy hiểm.

Phải ngăn chặn kiểu đầu tư chỉ phục vụ cho mục tiêu kiểu như chiếm hữu khu vực đó, chiếm hữu giá trị mà hàng ngàn đời biết bao nhiêu thế hệ nhân dân xây dựng nên. Có người cho rằng, cần phải hết sức lưu ý để cân đối giữa vấn đề đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu tư quá tập trung vào văn hóa trong khi vấn đề về hạ tầng liên quan khác lại đẩy cho nhà nước.

Ở đây, vai trò của những nhà chính trị rất quan trọng để từ đó định hướng, điều tiết của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh văn hóa thế nào cho phù hợp. Những vấn đề nêu trên được cử tri, nhân dân lo ngại và bàn nhiều. Nhưng vấn đề người dân lo ngại nhất là việc cho phép đầu tư không cẩn thận khu vực có giá trị văn hóa tâm linh đó mất đi giá trị truyền thống, rồi rơi vào tay những đại gia.

Từ câu chuyện đầu tư dưới hình thức BOT với các dự án giao thông thời gian qua cần được xem là bài học khi cho phép xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa tâm linh thưa ông?

– Vấn đề mà người dân lo ngại như tôi đã nói ở trên đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách, nhà làm kế hoạch và những người đang làm công tác quản lý ở Trung ương và địa phương phải xem xét một cách nghiêm túc, coi đây là vấn đề chiến lược khi xác định vấn đề đầu tư.

Như thời gian trước đây, chúng ta cho đầu tư BOT vào các dự án giao thông nhưng làm thiếu quy củ, sau mới hình thành chính sách. Khi có chính sách rồi xem xét lại việc đã thực hiện thấy có những vấn đề không được.

Rút kinh nghiệm từ vấn đề BOT để khi cho phép đầu từ vào lĩnh vực văn hóa tâm linh thì phải làm quy củ ngay từ đầu để sau này không phá dỡ, rồi những hệ lụy phức tạp phát sinh.

Trở lại với câu chuyện đại gia Xuân Trường (Ninh Bình) đề xuất đầu tư 15.000 tỷ đồng để làm “siêu dự án” ở chùa Hương khiến dư luận không khỏi xôn xao, ông có suy nghĩ gì?

– Nói đến danh thắng chùa Hương, người dân thấy khu này quá thiêng liêng, quá quen thuộc. Người ta đang cố gắng giữ vẻ hoang dã, vẻ hoang sơ của nơi đây. Tâm linh là thế, đó là thứ không hiện đại, không quá đóng “hộp”, không quá bê tông, xi măng hóa. Nhưng điều lo ngại nhất của người dân là nhà đầu tư sẽ biến đó thành tài sản riêng.

DN Xuân Trường là đơn vị đề xuất và được đầu tư nhiều khu du lịch tâm linh lớn như Bái Đính, Ba Sao – Tam Chúc, Hồ Núi Cốc… giờ lại tới Hương Sơn, Mỹ Đức. Theo tôi, các khu du lịch này đều là những nơi có di sản quốc gia, vì vậy việc quản lý hết sức cẩn thận. Các thủ tục đầu tư phải đảm bảo đầy đủ quy định, công khai, minh bạch, có sự tham vấn ý kiến ý kiến từ Trung ương đến địa phương tránh tình trạng để một địa phương tự quyết định.

Xin cảm ơn ông (!)

Theo danviet.vn

Để lại một bình luận