‘Chiến binh’ trẻ truy dấu Covid-19

Nghe nhà trường thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia chống dịch, Phạm Thị Hoa liền đăng ký nhưng không đủ dũng khí thú nhận với gia đình.

Có mặt tại Hội trường trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, chiều 28/1, Hoa, 21 tuổi, Khoa xét nghiệm và hơn 600 sinh viên đang chuẩn bị tham gia buổi tập huấn đi chống dịch. Ai cũng tò mò về công việc sắp được giao. Riêng Hoa không giấu nổi sự lo lắng khi tết chỉ còn cách khoảng 10 ngày, còn Hải Dương trong nửa ngày trở thành tâm dịch lớn nhất với 73 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

“Mình từng biết thông tin về các đợt dịch trước, thậm chí có người tử vong nhưng khi Covid-19 bùng phát tại đây, mình hiểu cuộc chiến này đang ở rất gần. Dù không hề muốn nhưng điều quan trọng nhất lúc này là phải đương đầu và chiến đấu thôi”, Hoa chia sẻ.

Cùng nhóm với cô còn có Đỗ Trung Dũng, cùng lớp và là chủ nhiệm câu lạc bộ Phát thanh của trường. Dũng từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện song chuyến đi này với anh nhiều thử thách hơn khi ổ dịch Hải Dương có liên quan đến biến thể nCoV Anh với tốc độ lây lan nhanh chóng.

Sau hai buổi tập huấn, chiều 29/1, lực lượng sinh viên tình nguyện được chia đôi, một nửa tham gia lấy mẫu xét nghiệm, nửa còn lại truy vết. Một cánh tỏa xuống các cơ sở và một nhóm tập trung tại CDC Hải Dương để truy vết các ca F0 điều tra dịch tễ.

Đoàn tình nguyện bao gồm 28 thành viên đi lấy mẫu xét nghiệm ở Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đoàn tình nguyện bao gồm 28 thành viên đi lấy mẫu xét nghiệm ở Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau ba giờ di chuyển, 28 tình nguyện viên đã có mặt UBND xã Chí Linh, bắt tay ngay vào việc. Khi đó, chính quyền địa phương đã tập hợp các ca nghi ngờ tại ủy ban để sàng lọc.

Công việc chính của nhóm là xét nghiệm mẫu, trong đó có người thuộc diện F1, F2, F3. Tiếp đó, nhóm sẽ phân luồng bệnh nhân và thu thập bệnh phẩm đưa về CDC. Mất khoảng một tiếng làm quen, mọi người đã thuần thục hơn từ việc hướng dẫn từng người sát khuẩn tay, thay khẩu trang mới, ngồi vào hàng ghế cách nhau hai mét, rồi di chuyển đến chỗ lấy dịch tỵ hầu và dịch ngoáy họng. Áp lực lên cao lên khi số người đến xét nghiệm tăng nhanh theo cấp số nhân còn lực lượng y tế có hạn. Đây còn là lần đầu Hoa, Dũng đi lâm sàng thực tế nên mất khá nhiều thời gian để bắt nhịp và phối hợp với nhau.

“Tuy là sinh viên chuyên ngành xét nghiệm nhưng cuối năm nay bọn mình mới được đi lâm sàng. Chuyến đi này xem như là cuộc tập dượt nhưng tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều”, Dũng nói.

Dũng kể, lấy mẫu trên bệnh nhi là áp lực nhất, có những em mới một hoặc hai tuổi, đang được bế trên tay. Khi đó, anh phải chú ý hơn đến kỹ thuật của mình vì cấu tạo của mũi trẻ em rất nhạy cảm. “Trẻ ngoan thì đỡ, trẻ quấy khóc thì gây rất nhiều khó khăn trong quá trình lấy mẫu”, Dũng nói. Nhóm phải lấy cả dịch tỵ hầu và dịch ngoáy họng để xét nghiệm nên phải “lấy đúng, đủ và chính xác”, tránh để dịch bệnh thêm phức tạp vì phát hiện chậm ca nhiễm.

Đến tối, việc lấy mẫu khó khăn hơn do làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Mọi người tận dụng thêm đèn pin điện thoại để chiếu sáng, đảm bảo lấy đúng, lấy đủ, tránh bỏ sót ca dương tính. Hoa nói, đây là cơ hội để cô và các bạn sinh viên Y rèn dũa bản thân và có thêm kinh nghiệm đi lâm sàng.

Ngày đầu tiên ra quân với trang phục bảo hộ kín mít, có người chỉ được ngồi im một chỗ để ghi số liệu, người phải đứng liên tục suốt 10 tiếng không ngừng nghỉ. Không ai dám đi vệ sinh hay ăn uống, mặt lộ rõ những vết hằn vì đeo khẩu trang nhiều giờ. Tất cả động viên nhau khẩn trương làm việc để chạy đua với số F1 tăng lên từng giờ.

Kể từ lúc dịch bùng phát, trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã tổ chức tập huấn phòng chống dịch cho hơn 1.000 giảng viên và sinh viên. Tất cả sẵn sàng tham gia điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện của trường lập kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất sinh phẩm để lấy mẫu, xét nghiệm khi có yêu cầu. Ngoài tham gia lấy mẫu, truy vết, nơi này còn được trưng dụng là bệnh viện dã chiến. Khoa Xét Nghiệm có Labo sinh học phân tử trực tiếp tham gia các xét nghiệm sàng lọc Covid-19 nhằm cho kết quả nhanh chóng, kịp thời.

Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lấy dịch tỵ hầu để xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương lấy dịch tỵ hầu để xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đến 10 giờ tối, Hoa và mọi người hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm rồi lên xe trở về thành phố. Ai cũng mỏi nhừ nhưng vẫn động viên nhau tổng hợp số liệu để có quyết định cách ly sớm với đối tượng nghi ngờ. Ngày đầu tiên vào cuộc, đoàn đã xét nghiệm hơn 2.000 mẫu.

Xong xuôi, Hoa tranh thủ nhắn dòng tin gửi bố mẹ kèm vài tấm hình để gia đình yên tâm. Nỗi lo lắng “về hay ở” vì tết cận kề không còn. Dường như nếp ăn uống vội vã, giấc ngủ chập chờn, đồng hồ sinh học của cơ thể bị xáo trộn đã trở thành “đặc sản ngành y”.

Hải Dương đang là ổ dịch lớn với gần 300 ca dương tính và nhiều ca chưa phát hiện trong cộng đồng. Cuộc chiến có nhiều khó khăn khi Tết đang đến gần, nhiều người sẽ không khai báo y tế để trốn cách ly, khiến cuộc chạy đua của nhân viên y tế thêm phần khó. Mọi người động viên nhau đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, “hết dịch, chúng ta về nhà ăn tết bù”.

Đội xét nghiệm trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cùng chụp với nhau tấm hình kỷ niệm, vừa để lưu lại hình ảnh trong chuyến đi đáng nhớ vừa động viên nhau vượt qua đại dịch
Đội xét nghiệm trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cùng chụp với nhau tấm hình kỷ niệm, vừa để lưu lại hình ảnh trong chuyến đi đáng nhớ vừa động viên nhau vượt qua đại dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thùy An – Vnexpress