Theo báo New York Times, nghiên cứu của ĐH Oxford là công trình nghiên cứu đầu tiên chứng minh vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng AstraZeneca giúp giảm đáng kể mức độ lây lan virus corona.
Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy loại vắc xin đó còn giúp phòng ngừa tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn hoặc tử vong.
Để tính toán mức độ tác động của vắc xin với sự lây nhiễm, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu dịch phết hằng tuần với những người tham gia nghiên cứu để dò tìm dấu hiệu tồn tại của virus corona.
Nếu không còn virus corona trong mẫu dịch phết, ngay cả khi người đó vẫn đang mắc bệnh, họ cũng không thể lây cho người khác.
Và nhóm nghiên cứu nhận thấy số mẫu dịch phết có kết quả xét nghiệm dương tính đã giảm 67% trong số những người đã được tiêm vắc xin.
Các kết quả nghiên cứu này được nhóm nghiên cứu của ĐH Oxford và Hãng AstraZeneca trình bày chi tiết trong bản thảo báo cáo nghiên cứu kết luận vắc xin có thể giảm lây nhiễm tới gần 2/3.
Tuy nhiên cần lưu ý là báo cáo nghiên cứu này chưa có sự bình duyệt của người trong giới, một “tiêu chuẩn vàng” để có được sự đánh giá khoa học khách quan và toàn diện hơn.
Một số nhà khoa học, trong đó có tiến sĩ Doug Brown, giám đốc điều hành Hiệp hội Miễn dịch học Anh, đang xem xét thông tin nghiên cứu vừa công bố.
Họ thận trọng cho rằng cần có thêm những phân tích dữ liệu khác trước khi có thể tuyên bố chắc chắn về những kết luận có ảnh hưởng lớn như thế này.
Trong khi đó, giới chức Anh cho rằng các kết quả nghiên cứu này khẳng định thêm việc tiêm chủng vắc xin diện rộng sẽ là mấu chốt để chấm dứt đại dịch COVID-19.
Ông Matt Hancock, bộ trưởng Y tế Anh, ca ngợi các kết quả nghiên cứu, nói điều đó “vô cùng tuyệt vời”.
“Giờ đây chúng ta biết rằng vắc xin của ĐH Oxford còn làm giảm lây nhiễm và sẽ giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch”, ông Hancock nói khi trả lời phỏng vấn sáng nay 3-2 với Đài BBC.
Theo D. KIM THOA – Tuổi Trẻ