Báo Tây Ban Nha El Mundo hôm 31/1 tiết lộ chi tiết giao kèo lên đến 675 triệu USD mà Barca ký với Messi vào năm 2017. Số này bao gồm 167 triệu USD tiền lương, 95 triệu USD tiền trung thành và 140 triệu USD chỉ để Messi đồng ý gia hạn hợp đồng. Barca sau đó thừa nhận những thông tin này là chính xác.
Đội bóng lấy làm tiếc khi những thông tin đáng ra phải được bảo mật tuyệt đối, bằng một cách nào đó, đã lan tràn trên truyền thông. Messi giận dữ với sự kiện này, dự định sẽ kiện Barca, trong khi CLB cũng tính đâm đơn kiện El Mundo.
Nhưng không dừng lại, nhật báo lớn bậc nhất Tây Ban Nha tiếp tục rò rỉ các điều khoản của bản hợp đồng. Trong số đó, có những điều khoản được mô tả là kỳ lạ, không chỉ thuần tuý về thể thao, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của Messi.
Số này có điều khoản liên quan tới thời gian rảnh rỗi của Messi. Theo đó, anh không được tham gia các hoạt động được liệt kê trong hợp đồng: “Lái xe mô tô, trượt ván, dù lượn, trượt tuyết, leo núi hoặc các môn thể thao mạo hiểm”. Thậm chí, điều khoản 1.2.5 quy định Messi không được đặt cược trong các trận đấu của Barca, không chỉ đội bóng đá mà Messi phục vụ, mà còn bị cấm ở bất kì đội thể thao Barca nào khác trong tổ hợp của CLB. Messi được phép đặt cược ở các môn thể thao khác, các trận bóng đá khác, nhưng mức độ của vấn đề này là không rõ ràng.
Điều khoản 1.2.3 cũng quy định: Messi đồng ý thi đấu tất cả các trận mà anh khoẻ mạnh, “với sự tận tâm và cố gắng tối đa, cam kết tuân theo chỉ dẫn của HLV”. Điều này bao gồm sự đồng ý vô điều kiện với các yêu cầu của HLV trưởng, đồng nghĩa với việc HLV đương nhiệm Ronald Koeman có quyền yêu cầu Messi thi đấu ở mọi vai trò mà ông muốn, kể cả… thủ môn.
Điều khoản cấm chỉ trích đội bóng
Hợp đồng còn cấm Messi chỉ trích thành viên đội bóng công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thật ra, Messi đã vi phạm điều khoản hợp đồng này, với ít nhất ba lần chỉ trích công khai cựu Giám đốc Kỹ thuật Eric Abidal và các nhân vật khác, sau đề nghị giảm lương cầu thủ trong giai đoạn CLB khó khăn tài chính và liên quan đến quyết định đẩy Luis Suarez ra đi. Trong cả ba lần này, Messi đều đăng trên trang Instagram của anh.
Điều khoản viết rõ: “Cầu thủ không được sử dụng mạng xã hội trong các trận đấu, các buổi tập, gây xao nhãng… không được đăng lên mạng xã hội các thông tin, bình luận, video, ảnh… bôi nhọ hình ảnh của chính cá nhân cầu thủ, của đồng đội, thành viên ban kỹ thuật, người quản lý và nhân viên CLB”.
Messi rất ít khi thể hiện quan điểm trong giai đoạn ở Barca, nhưng mùa trước, anh đã lên tiếng khi Ernesto Valverde bị sa thải, khi đội bóng gặp khó khăn kinh tế vì đại dịch. Messi lên tiếng phản đối những quyết định mà anh coi là khiến anh và toàn đội bị hiểu lầm, tiêu biểu là vấn đề cắt giảm lương trong dịch bệnh.
Vụ Messi chỉ trích Abidal đến sau trận thua Atletico Madrid ở bán kết Siêu Cup Tây Ban Nha trên đất Saudi Arabia, khiến Valverde bị sa thải. Khi đó, vị cựu Giám đốc Kỹ thuật này nói: “Nhiều cầu thủ thể hiện sự bất mãn, không làm việc chăm chỉ, gây ra các cản trở trong giao tiếp nội bộ”. Phát ngôn được xem là ám chỉ Messi, khiến siêu sao này phản bác. Tiền đạo người Argentina viết trên mạng xã hội: “Khi nhận xét về các cầu thủ, người ta nên chỉ đích danh đó là ai, vì nếu chỉ nói chung chung, toàn bộ cầu thủ chúng tôi đều liên đới và cảm thấy phát biểu đó không chính xác”. Sau vụ lùm xùm này, Abidal cũng mất ghế.
Lần gần nhất Messi vi phạm điều khoản phát ngôn là sau sự ra đi của Luis Suarez Hè này. Tháng 9/2020, Messi đã viết tri ân người bạn và đồng đội thân thiết Suarez, cầu thủ không được Barca gia hạn hợp đồng. “Cậu xứng đáng được ghi nhớ trong lịch sử CLB, khi đạt được nhiều thành tựu với tập thể này cũng như cho riêng cá nhân cậu. Cậu không đáng bị đối xử như cách họ đã làm hôm nay”.
Trong cả ba lần này, đáng ra Messi phải bị phạt vì vi phạm điều khoản. Nhưng Barca đều đã nhân nhượng.
Điều khoản tự do ra đi bằng burofax
Hợp đồng của Messi cũng có điều khoản cho phép anh ra đi trước mùa 2020-2021 mà không phải bồi thường, theo xác nhận của chính Bartomeu trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/2019. Khi đó Bartomeu nói: “Messi có giao kèo bốn năm với chúng tôi, bắt đầu từ 2017. Trước năm cuối hợp đồng, tức là trước mùa giải 2020-2021, cậu ấy có quyền rời Barca để đến các đội bóng khác. Những cầu thủ khác là Iniesta, Xavi, Puyol đều có quyền này. Cầu thủ có quyền tự do vì họ xứng đáng với điều đó”.
Tuy nhiên, ngày 25/8/2020, tức 11 ngày sau khi Barca thảm bại 2-8 dưới tay Bayern ở bán kết Champions League, Messi gửi burofax yêu cầu được tự do ra đi. Messi tiết lộ đã đòi ra đi từ sáu tháng trước, trong những lần nói chuyện với Bartomeu: “Trong 6 tháng gần nhất, tôi liên tục khẳng định với chủ tịch rằng tôi muốn ra đi. Nhưng ông ấy từ chối. Do đó, tôi muốn công khai việc này qua burofax”, Messi tiết lộ khi trả lời phỏng vấn với nhà báo Jordi Evole trên La Sexta ngày 27/12.
Một nguồn tin thân cận với Barca cho biết hợp đồng có thể kết thúc trước ngày 30/6/2021, đúng như Bartomeu từng “buột mồm” tiết lộ. Nhưng để được kích hoạt điều khoản đó, Messi phải yêu cầu ra đi trước ngày 10/6/2020.
Do mùa giải bị kéo dài đến tận tháng 8 vì dịch Covid-19, Messi không thể công khai đòi ra đi lúc Barca còn thi đấu. Các luật sư của anh cho rằng vì lý do bất khả kháng, quyền gửi burofax vẫn được bảo lưu đến tháng Tám, tức phía Messi không hề yêu cầu muộn hơn thời hạn quy định trong hợp đồng.
Sau đó, như tất cả đã biết, Messi vẫn phải ở lại Barca, và bản burofax không có hiệu lực.
Tuy nhiên theo El Mundo, hợp đồng có quy định Messi được nhận 95 triệu USD tiền phí trung thành khi ở lại Barca đến mốc 1/2/2020. Với mốc thời gian này, trên lý thuyết, Messi vẫn ẵm đủ số tiền khổng lồ trên mà vẫn được tự do ra đi nếu chính thức gửi yêu cầu trước 10/6/2020. Tất nhiên điều này không xảy ra, với tác động không ai ngờ tới của dịch Covid-19.
Điều khoản nhận thêm phí trung thành nếu ở lại
Nhưng dù ở lại hay ra đi, Messi vẫn có lợi về mặt tài chính, nhờ điều khoản phí trung thành. Theo đó, El Mundo tiết lộ, CLB có nghĩa vụ trả cho Messi thêm gần 50 triệu USD nữa (con số chính xác là 38.964.977,5 euro) nếu tiền đạo người Argentina vẫn thuộc biên chế CLB đến ngày 15/7/2021. Hợp đồng hiện tại đáo hạn vào ngày 30/6/2021, và điều khoản này có nghĩa là nếu Messi ký gia hạn, anh sẽ bỏ túi ngay số tiền trên, theo điều khoản của hợp đồng cũ, dù có… ra sân thi đấu hay không.
Sở dĩ nói vậy là vì việc ký gia hạn với việc thi đấu tiếp cho Barca hoàn toàn khác nhau. Đã có tiền lệ Neymar cho điều khoản này.
Trước khi chuồn sang PSG với giao kèo trị giá khoảng 270 triệu USD, vào ngày 1/7/2016, chân sút người Brazil đã ký thoả thuận với Barca. Thoả thuận này cho phép Neymar bỏ túi khoảng 80 triệu USD tiền phí trung thành. Khoản phí này được thanh toán làm 2 đợt. Trước 31/7/2016, Neymar nhận 25 triệu USD, cho đến ngày 31/7/2017, chân sút này nhận thêm 55 triệu USD nữa.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận khoản thanh toán đầu tiên, Neymar đã chuồn sang PSG. Cho dù Barca không thanh toán số tiền còn lại và được “bù” bằng phí giải phóng hợp đồng kỷ lục, thì họ cũng đã mất khoản phí trung thành 25 triệu USD cho tiền đạo người Brazil. Trên lý thuyết, Messi hoàn toàn có thể rời CLB theo kịch bản này.
Điều khoản bắt học tiếng Catalonia
Điều 1.2.7 trong hợp đồng được ký giữa các bên vào tháng 11/2017 được đích thân cựu Chủ tịch Bartomeu cài cắm, viết rõ: “Cầu thủ phải nỗ lực tối đa trong việc hoà nhập vào văn hoá Catalonia, tôn trọng các giá trị văn hoá bản xứ, đặc biệt là phải học tiếng Catalonia, vì đây là phương tiện để kết nối với xã hội. FC Barcelona sẽ cung cấp những công cụ cần thiết để thúc đẩy tiến trình này, dạy cầu thủ các kiến thức về Catalonia…”.
Sở dĩ có điều khoản này vì một bộ phận người Catalonia không thật sự hài lòng khi Messi ít khi bày tỏ tình cảm với Catalonia. Chính xác là trong 20 năm kể từ khi gia nhập đội trẻ đến nay, khi đã 33 tuổi, chưa bao giờ Messi nói tiếng Catalonia trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài ra, hợp đồng còn có điều khoản: “Nếu Catalonia trở thành một quốc gia độc lập, hợp đồng sẽ tự động mất hiệu lực, Messi được quyền tự do ra đi mà không phải chi trả số tiền 850 triệu USD phí bồi thường”.
Đỗ Hiếu (theo El Mundo) – Vnexpress