Còn 1 ngày nữa Luật An ninh mạng có hiệu lực: Viết gì trên mạng xã hội để bày tỏ chính kiến không phạm luật?

Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 tới đây. Phải viết gì, ứng xử ra sao trên mạng xã hội để vẫn bày tỏ được chính kiến của mình mà không vi phạm pháp luật?

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến sau đây và mong nhận được các góp ý từ bạn đọc.
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến sau đây và mong nhận được các góp ý từ bạn đọc.

TS Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Cán bộ hành chính quốc gia – cơ sở TP.HCM): Kiểm chứng nguồn khi chia sẻ thông tin

Thực tế lâu nay có nhiều người sử dụng mạng xã hội khi đưa tin hoặc chia sẻ thông tin từ các nhóm diễn đàn hoặc trang mạng khác nhưng không có sự kiểm chứng, tìm hiểu nguồn chính xác. Điều đó vô tình dẫn đến việc lan truyền những thông tin không đúng sự thật.

Một điều tôi thường xuyên nhắc nhở sinh viên là khi đưa hoặc chia sẻ bất cứ thông tin nào liên quan đến tổ chức, cá nhân lên trang Facebook cá nhân cũng phải kiểm chứng. Tốt nhất nên chia sẻ những bài dẫn link từ các báo chính thống.

Còn khi muốn chia sẻ thông tin từ bài viết của các trang Facebook khác thì phải kiểm chứng thông tin cẩn thận, nếu không rõ nguồn gốc thì không nên chia sẻ.

Quan trọng nhất khi chia sẻ thông tin từ trang Facebook nào thì bản thân người dùng phải cân nhắc trang Facebook đó là ai, không phải thông tin từ trang Facebook nào mình cũng có thể chia sẻ thông tin.

Cũng có lần tôi mở xem một bài viết được một trang Facebook đăng có nội dung bình thường nên tôi có ý định chia sẻ cho bạn bè cùng đọc, nhưng khi kiểm tra các bài viết khác trong trang mạng này lại thấy nội dung không ổn, nhiều thông tin không có kiểm chứng nên tôi không chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Phi (giám đốc Công ty tiếp thị Leo Brothers): Không thể “chém gió” mọi lúc mọi nơi

Với Luật An ninh mạng, người dùng từ nay phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những thông tin, phát ngôn mà mình đăng tải hoặc trích dẫn trên mạng xã hội chứ không thể dễ dàng “chém gió” mọi lúc mọi nơi như trước đây.

Những hành vi trước đây người dùng thường xem như “chuyện thường” nay đã có khả năng cấu thành tội phạm như kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin có nội dung làm nhục, vu khống người khác…

Người dùng cần lưu ý các hành vi trên chỉ có thể bị xử phạt nếu nằm trong quy định và thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự.

Do vậy, trước mỗi thông tin hoặc phát ngôn đưa ra, người dùng cần phải nghiên cứu và cẩn trọng tìm hiểu nguồn gốc thông tin, chỉ trích dẫn với những thông tin từ các nguồn thông tin chính thống.

PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng – CECODES): Chọn cách ứng xử tốt nhất

Luật An ninh mạng có hiệu lực quy định nhiều nhóm hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng.

Có những hành vi cấm trước đây được quy định trong các bộ luật hình sự, dân sự, tuy nhiên cũng có những nhóm hành vi quy định mới.

Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân biết.

Từ sự hiểu biết đó, người dân sẽ chọn cho mình cách ứng xử tốt nhất khi thông tin, chia sẻ thông tin và tương tác trên mạng xã hội.

Khi thông tin, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, người dân sẽ có sự cân nhắc, kiểm tra để không vi phạm luật.

Chị Thảo Nguyên (Q.5, TP.HCM): Dùng từ ngữ văn minh

Tôi nghĩ mạng xã hội bây giờ cũng như đời thực bên ngoài, người dùng muốn bày tỏ ý kiến gì cũng nên hiểu rõ vấn đề, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn tin cậy như báo chí, cổng thông tin chính phủ… rồi hãy đưa ra ý kiến của mình.

Tránh kết luận khi mới chỉ đọc, nghe thông tin từ một phía, từ truyền miệng trên mạng xã hội, từ những nguồn tin chưa được kiểm chứng.

Bên cạnh đó, một yếu tố mang tính văn hóa mà nhiều người hiện nay ít quan tâm, đó là khi bày tỏ quan điểm thì nên dùng từ ngữ văn minh, không mang tính phỉ báng hay xúc phạm…

Ông Nguyễn Duy Vĩ (giám đốc marketing Trung tâm lữ hành quốc tế Tugo): Phải hiểu mình đang nói gì

Khi tham gia thảo luận trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn, người dùng phải hiểu mình đang nói gì và có lập luận cũng như bằng chứng để chứng minh. Đặc biệt, không dùng từ thô tục mang tính xúc phạm cá nhân.

Tránh các lỗi ngụy biện chẳng hạn như có một công ty A đang bị một thông tin bất lợi trong việc kinh doanh và họ đang xử lý, tuy nhiên người dùng chưa nắm rõ đầu đuôi đã vội lên mạng kết luận “nhìn mặt mấy thằng chủ là biết công ty làm ăn không đàng hoàng”…

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh (giám đốc phát triển thị trường Việt Nam, Hãng bảo mật Kaspersky Lab): Trang bị kỹ năng thẩm định thông tin

Người dùng phải tự trang bị kỹ năng thẩm định thông tin, xác minh với những người có chuyên môn và đáng tin cậy trước khi chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội.

Đó cũng là một thói quen tiếp cận thông tin tốt cần có khi tham gia thế giới thông tin phẳng hiện nay.

ĐỨC THIỆN – TIẾN LONG Tuổi Trẻ thực hiện

Để lại một bình luận