Kết quả bầu cử tại Đại hội XIII ghi nhận 10 “trường hợp đặc biệt”, là những nhân sự ngoài độ tuổi theo quy định, do Trung ương khóa cũ đề cử với Đại hội và được 1.587 đại biểu tín nhiệm bầu vào Trung ương khóa mới.
Trong đó, Bộ Chính trị khóa XII tái cử có 2 “trường hợp đặc biệt” là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII diễn ra sáng nay (31/1), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được bầu tái đắc cử vị trí người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài hai “trường hợp đặc biệt” nêu trên, 6 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái đắc cử Bộ Chính trị khóa XIII là Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Bà Trương Thị Mai là thành viên nữ duy nhất của Bộ Chính trị khóa XIII. Ở nhiệm kỳ trước, Bộ Chính trị khóa XII có 3 thành viên nữ là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và bà Trương Thị Mai.
7 Ủy viên Ban Bí thư khóa XII được bầu tham gia Bộ Chính trị khóa XIII gồm: Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Trần Cầm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN.
3 Ủy viên Trung ương khóa XII đươc bầu tham gia Bộ Chính trị khóa XIII là: Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng QĐND, Thứ trưởng Quốc phòng; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Như vậy trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, có 8 vị tái cử và 10 người tham gia lần đầu. Đây là nhiệm kỳ Bộ Chính trị thứ sáu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ông là Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII, tháng 12/1997). Nhiệm kỳ Bộ Chính trị thứ ba của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; 6 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử còn lại đều bước sang nhiệm kỳ Ủy viên Bộ Chính trị thứ hai.
Tại Đại hội XIII, 23 đại biểu thuộc đoàn Đảng bộ Quân đội được bầu vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới. Và 3 trong số 23 đại biểu này hiện tham gia Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XIII, gồm Thượng tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Lương Cường và Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.
Ở nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa XII có hai đại biểu Quân đội là Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng) và Đại tướng Lương Cường.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có hai người tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII là ông Trần Cẩm Tú và bà Bùi Thị Minh Hoài (Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương).
Kết quả bầu cử tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban chấp hành Trung ương khóa XIII cũng ghi nhận lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ các bộ, cơ quan ngang bộ như Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc có lãnh đạo tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về độ tuổi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII cả tái cử và tham gia lần đầu có hai nhân sự thế hệ 7X, là ông Võ Văn Thưởng và ông Lê Minh Hưng, đều sinh năm 1970.
Theo Điều lệ Đảng, Bộ Chính trị lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương; báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Bí thư lãnh đạo công việc hằng ngày của Đảng: chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.
Danh sách 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII
Hoàng Thùy – Viết Tuân – Vnexpress