‘Võ sinh đại chiến chết là chết cả nền điện ảnh Việt Nam’?

‘Nếu Võ sinh đại chiến chết, đó không đơn thuần là một bộ phim chết mà chết cả nền điện ảnh Việt Nam này’ – đạo diễn Bá Cường của ‘Võ sinh đại chiến’ tuyên bố.

Đạo diễn Bá Cường nói về ‘cái chết của nền điện ảnh’  – Video: MI LY

Chiều 17-1, êkip Võ sinh đại chiến gồm đạo diễn – nhà sản xuất Bá Cường và nhà sản xuất Thái Bá Dũng trò chuyện trong chương trình Sunday Talk của Xinê House tại TP.HCM.

Vừa qua, Võ sinh đại chiến gây xôn xao khi bị nhà sản xuất rút khỏi toàn bộ hệ thống rạp chỉ sau một tuần công chiếu (từ 1-1), vì cho rằng phim “bị chèn ép thảm thương”. Có kinh phí 25 tỉ đồng, phim chỉ thu hơn 1,3 tỉ đồng.

Nhà làm phim không thể trả lời về nhược điểm của phim

Nhìn lại hành trình của Võ sinh đại chiến, từ khi ra rạp ngày 1-1 đến khi bị rút khỏi rạp sau 7-1, nhà sản xuất và đạo diễn vẫn cho rằng nhược điểm của phim nằm ở các yếu tố bên ngoài nội dung.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, đạo diễn Bá Cường nói: “Nhược điểm của phim đến từ đạo diễn trẻ, không ai biết, đến từ dàn diễn viên mới, chưa được biết đến nhiều. Thứ ba là chúng tôi đã sai khi marketing. Chúng tôi không có cơ hội chứng minh bộ phim này là phim tốt”.

Về marketing, đạo diễn thừa nhận đây là sai lầm đến từ 2 nhóm marketing của cả nhà phát hành và nhà sản xuất. Hai nhóm này cùng chạy song song, nhưng những chất liệu truyền thông trước khi phim ra mắt không tốt.

Võ sinh đại chiến chết là chết cả nền điện ảnh Việt Nam? - Ảnh 2.
Nhà sản xuất Thái Bá Dũng (trái) và đạo diễn Bá Cường của “Võ sinh đại chiến” – Ảnh: MI LY

Nhà sản xuất Thái Bá Dũng bổ sung: “Khi bản phim cuối cùng ra rạp, đó là bản tốt nhất chúng tôi làm ra được. Nếu thấy không ổn thì chúng tôi sẽ không đưa ra rạp. Nếu hỏi đạo diễn, nhà sản xuất về nhược điểm của phim, chúng tôi chắc chắn không trả lời được. Vì những nhược điểm chúng tôi thấy, chúng tôi đã xử lý rồi. Cuối cùng, khán giả là người quyết định phim hay hay dở, còn thiếu gì”.

Nếu nghĩ thêm, nhà sản xuất cho rằng phim có một số yếu tố khiến nhà phát hành đánh giá thấp như đạo diễn, diễn viên, là phim độc lập không có nhà phát hành nào đầu tư.

Trong khi nhà sản xuất Charlie Nguyễn tự nhận phim Người cần quên phải nhớ thất bại vì “chưa chạm đến trái tim khán giả”, Bá Cường cho rằng phim của anh “chạm được tới khán giả”, nhưng chưa có cơ hội đến với nhiều khán giả, do suất chiếu quá ít.

Võ sinh đại chiến chết là chết cả nền điện ảnh Việt Nam? - Ảnh 3.
Đạo diễn Bá Cường có lúc xúc động và thể hiện tâm tư về nền điện ảnh trong buổi trò chuyện – Ảnh: MI LY

Qua Võ sinh đại chiến, đạo diễn Bá Cường bày tỏ lòng mong mỏi có thêm nhiều cơ hội cho các nhà làm phim trẻ, các êkip trẻ theo đuổi giấc mơ điện ảnh. 

“Nếu Võ sinh đại chiến dở thì không nói, nhưng bộ phim lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Phim thừa sức và xứng đáng được sống. Nếu Võ sinh đại chiến chết, đó không đơn thuần là một bộ phim chết mà chết cả nền điện ảnh Việt Nam này”.

Phim và rạp “cộng sinh, bám víu nhau để sống”

Khi lý giải về thất bại phòng vé, nhà sản xuất Thái Bá Dũng nhấn mạnh việc Võ sinh đại chiến ra rạp vào thời điểm không mong muốn. Đó là cuộc đối đầu 4 phim của cùng một nhà phát hành (Galaxy) trong nửa tháng từ 25-12 đến 8-1. 

Nhà sản xuất cho rằng khi Chị Mười Ba lùi lịch sang 25-12, Võ sinh đại chiến rơi vào thế “đã quá muộn” để dời lịch, khi các tài liệu truyền thông đã công bố.

“Quyền sinh sát nằm trong tay nhà phát hành, chủ rạp. Ở Việt Nam chưa có cơ chế để giải quyết xung đột lợi ích hay quyền lợi cho các nhà sản xuất trẻ” – Thái Bá Dũng nói.

Võ sinh đại chiến chết là chết cả nền điện ảnh Việt Nam? - Ảnh 4.
“Võ sinh đại chiến” thu hơn 1,3 tỉ đồng sau một tuần chiếu trước khi rút khỏi rạp – Ảnh: ĐPCC

Tháng 9-2020, khi chịu thiệt hại nặng nề vì COVID-19, các nhà rạp tổ chức hội thảo kêu gọi phim Việt ra rạp. Trong nhiều tháng trời, nhà rạp liên tục kêu cứu, phải đóng bớt số rạp. Trong một hội thảo với Cục Điện ảnh, lãnh đạo một nhà rạp lớn kêu: “Sự thực là rạp phim đang chết”.

Vậy, liệu điều này có mâu thuẫn với câu nói của nhà sản xuất Thái Bá Dũng về “quyền sinh sát” của rạp, của nhà phát hành?

Anh trả lời Tuổi Trẻ Online: “Nhà rạp sẽ không sống được nếu không có phim. Không có phim thì chẳng có gì để chiếu cho khán giả xem. Ngược lại, nhà làm phim nếu không có rạp thì phim cất kho, cũng sẽ chết.

Võ sinh đại chiến chết là chết cả nền điện ảnh Việt Nam? - Ảnh 5.
“Với phim độc lập như chúng tôi, nếu phim chết, nhà phát hành chẳng mất gì” – nhà sản xuất “Võ sinh đại chiến” nói – Ảnh do đoàn phim cung cấp

Đây là sự cộng sinh, bám víu nhau để sống. Nhưng trong một thời điểm, nếu nhà phát hành có quá nhiều phim ra cùng lúc, họ sẽ xem xét bên nào quan trọng hơn. Phim do họ bỏ tiền đầu tư thì họ ưu tiên hơn. Còn với phim độc lập như chúng tôi, nếu phim chết, nhà phát hành chẳng mất gì. Họ đã lấy phí marketing rồi, đã lấy 10% phí phát hành dựa trên doanh thu rồi (số % tùy nhà).

Một người đang đói bụng, cần thức ăn. Nếu bạn chỉ mang đến một đĩa thức ăn, họ sẽ rất trân trọng. Nhưng nếu 80 người mang đến 80 đĩa, tất cả sẽ không còn ý nghĩa hoặc ý nghĩa như nhau”.

Trailer phim ‘Võ sinh đại chiến’

Ý tưởng tôn vinh võ cổ truyền Việt Nam chưa được tô đậm

Do COVID-19, êkip phải lùi lịch sản xuất nhiều lần, dẫn đến phải quay 6 đại cảnh trong 4 tuần. Êkip buộc lòng bỏ qua hoặc gia giảm một số ý tưởng, ví dụ: bài võ Song Phượng Kiếm của nữ tướng Bùi Thị Xuân hay cuộc đối đầu giữa MMA và võ cổ truyền.

Tôn vinh võ cổ truyền là ý tưởng lớn của phim. Êkip cho biết ý nghĩa tôn vinh võ cổ truyền sẽ được thể hiện trong quá trình truyền thông, nhưng vì phim rút, các kế hoạch truyền thông này không thực hiện được.

Theo MI LY – Tuổi Trẻ