Trong một email Reuters có được, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cho biết hôm 15/1, Bộ Thương mại đã bày tỏ “ý định từ chối số lượng đáng kể các yêu cầu cấp phép xuất khẩu cho Huawei và thu hồi ít nhất một giấy phép đã cấp trước đó”. Các nguồn tin giấu tên cho biết 8 giấy phép đã bị tước khỏi 4 công ty.
Nhà sản xuất chip nhớ flash Nhật Bản Kioxia Corp đã bị thu hồi ít nhất một giấy phép. Công ty này hiện chưa đưa ra bình luận.
Email lưu ý các công ty đã chờ đợi quyết định cấp phép suốt “nhiều tháng” và khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ còn tại nhiệm một tuần nữa, việc từ chối các đơn đề nghị là một thách thức.
Các công ty nhận được thông báo “ý định từ chối” có 20 ngày để phản hồi và Bộ Thương mại có 45 ngày để thông báo cho các công ty về bất kỳ thay đổi nào trong quyết định hoặc quyết định cuối cùng. Các công ty sau đó sẽ có thêm 45 ngày để phản bác.
Phát ngôn viên hiệp hội bán dẫn và phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ đều chưa bình luận về các thông tin được đề cập trong email.
Mỹ đưa Huawei vào “danh sách thực thể” của Bộ Thương mại vào tháng 5/2019, hạn chế các nhà cung cấp bán hàng hóa và công nghệ Mỹ cho công ty viễn thông Trung Quốc này. Mỹ tăng cường siết chặt các hạn chế đối với Huawei, gồm việc mở rộng thẩm quyền của Mỹ để yêu cầu giấy phép bán chất bán dẫn được sản xuất bằng công nghệ Mỹ ở nước ngoài.
Trước động thái mới nhất, khoảng 150 giấy phép chờ xử lý cho hàng hóa và công nghệ trị giá 120 tỷ USD, đã bị trì hoãn vì các cơ quan khác nhau của Mỹ không thể thống nhất có nên cấp chúng hay không. Theo một nguồn tin, 280 tỷ USD giấy phép hàng hóa và công nghệ khác cho Huawei vẫn chưa được xử lý và hiện khả năng bị từ chối càng cao hơn.
Mỹ đã đưa ra quyết định mới nhất sau nhiều cuộc họp bắt đầu từ ngày 4/1 với sự tham gia của quan chức cấp cao từ Bộ Thương mại, Ngoại giao, Quốc phòng và Năng lượng, tập trung chi tiết về công nghệ nào có khả năng 5G và sau đó áp dụng tiêu chuẩn này. Bằng cách đó, các quan chức đã từ chối phần lớn trong số khoảng 150 đơn đăng ký xảy ra tranh cãi và thu hồi 8 giấy phép.
Hành động của Mỹ được đưa ra sau áp lực từ Corey Stewart, người được Trump bổ nhiệm gần đây trong Bộ Thương mại và muốn thúc đẩy các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Đây cũng là hành động mới nhất trong nỗ lực lâu dài của chính quyền Trump nhằm làm suy yếu nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, bị Mỹ cáo buộc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Washington.
Huyền Lê (Theo Reuters) – Vnexpress