Thông tin tại buổi họp báo chuyên đề của Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 8-1, ông Nguyễn Văn Ổn, phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan – cho hay với vụ 92 xe hàng của Trung Quốc được các lực lượng chức năng kiểm tra, xác định có hàng cấm nhập khẩu, giả sở hữu trí tuệ, hàng hóa kinh doanh có điều kiện và hàng cũ, hàng cấm…
“Vụ việc đang làm rõ, nếu xác định rõ hành vi vi phạm sẽ khởi tố hình sự, vi phạm hành chính sẽ xử lý hành chính, vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ tiêu hủy. Đối với việc thanh lý lô xe ôtô này, do vụ việc chưa kết thúc nên chưa thể nói bán đấu giá thời điểm nào, nếu đủ khả năng đấu giá sẽ đấu giá công khai” – ông Ổn nói.
Đối với 42 tấn hàng được cho là có nguồn gốc Trung Quốc được phát hiện tại cửa khẩu Cát Lái, ông Ổn cho hay ba container hàng hóa này khai báo là găng tay sử dụng làm bếp có xuất xứ Trung Quốc, thực tế kiểm tra là găng tay cao su, do đó để xác định là găng tay sử dụng cho nhà bếp hay đưa vào sử dụng y tế “cần được xác minh thêm”.
Theo ông Ổn, hiện đang trong thời điểm dịch COVID-19 nên ông cho rằng việc này là nghiêm trọng, cần xác minh, làm rõ. Bởi đây chắc chắn là lô hàng cũ, nhập từ Trung Quốc về Việt Nam và chưa rõ sử dụng vào mục đích nào nên cần làm rõ.
Ông Nguyễn Kỳ Minh, phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cho rằng việc xác định các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, bởi làm thế nào để xác định đối tượng, hành vi vi phạm là rất khó. Đặc biệt là việc xác định chủ sở hữu website là phức tạp.
“Làm thế nào để chứng minh một mô hình thương mại điện tử thuộc vào đối tượng kiểm tra. Nhiều đối tượng khi chúng tôi đến kiểm tra đều chối bay chối biến, nói website không phải của tôi, đối thủ cạnh tranh xây dựng lên để chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh. Việc xây dựng website, mua tên miền dễ dàng nên làm thế nào chứng minh chủ doanh nghiệp, đối tượng kiểm tra thực sự là chủ sở hữu website đó vô cùng phức tạp” – ông Minh nói.
Ngoài ra, việc buôn hàng giả, hàng lậu dễ dàng trong hoạt động thương mại điện tử là do các đối tượng lợi dụng các công ty chuyển phát, giao nhận do Luật bưu chính được xây dựng từ năm 2010, chưa đánh giá được hết sự phát triển hoạt động này.
Đơn cử, Luật bưu chính quy định về các hành vi bị cấm với các đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính, trong đó cấm đơn vị vận chuyển hàng hóa ‘cấm lưu thông’, nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu lại không phải là nhóm hàng cấm lưu thông.
“Nếu chúng ta sửa đổi từ ‘hàng cấm lưu thông’ sang hàng không được phép lưu thông thì sẽ có đầy đủ căn cứ pháp lý” – ông Minh nói.
Theo N.AN – Tuổi Trẻ