Cuối tháng 12, làng hoa bên lò gạch 100 năm tuổi ven sông Hàm Luông (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, Bến Tre) không khí khá trầm lắng. Dọc hai bên đường, các vườn hoa cúc mâm xôi, Hà Lan, vạn thọ phần lớn bị thu hẹp diện tích. Năm ngoái, cùng thời gian này, mảnh vườn gần 3.000 m2 của anh Trần Văn Phàn (47 tuổi) đã phủ kín với 6.000 chậu hoa cúc Hà Lan. Sau vụ Tết, anh lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
“Năm nay, lo dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến sức mua, nên tôi chủ động giảm nửa số lượng chậu, đồng thời tìm các mối ở địa phương để giảm tiền thuê nhân công, chuyên chở sang Tây Ninh, Long An bán”, anh Phàn nói.
Theo anh, hoa chỉ bán được trong vài ngày Tết, năm trước do không bán hết, sợ giảm giá những ngày cuối sẽ tạo tiền lệ xấu cho năm sau nên anh phải đập bỏ khoảng 1.000 chậu cúc. Phần diện tích hoa giảm năm nay, anh tranh thủ lấy cây giống ăn quả về bán. Lợi thế của cây giống là cần ít nước hơn hoa, nhất là nếu gặp đợt hạn mặn sớm bất thường như năm ngoái, và không phụ thuộc vào thị trường Tết, giảm thiểu khả năng rủi ro.
Tại xã Long Thới, giữa trưa, anh Huỳnh Văn Tuấn, 32 tuổi, đang tưới 3.000 chậu vạn thọ gần một tháng tuổi. Năm trước, anh trồng 5.000 chậu, sau đợt bán Tết lãi hơn 100 triệu đồng. “Trước đây từ tháng 9, 10 âm lịch các chủ mặt bằng tại TP HCM đã chủ động liên hệ với tôi cho thuê với giá từ 5 đến 15 triệu đồng mỗi lô một mùa, còn năm nay hiện vẫn chưa thấy ai gọi”, anh Tuấn nói lý do giảm số lượng hoa Tết.
Dọc quốc lộ 57, sân nhà của những nghệ nhân tạo hình linh vật 12 con giáp bằng tắc kiểng truyền thống cũng vắng lặng, không còn cảnh rộn rã nhân công vô chậu cây, hàn khung sắt tạo hình khi Tết gần đến. Nhiều nghệ nhân cho hay, do lo ngại Covid-19 diễn biến phức tạp, không có khách đặt, họ chuyển sang bán tắc chậu với giá bình dân hơn.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, năm nay, có vài cơn mưa trái mùa nhưng nhìn chung thời tiết khá thuận lợi cho người trồng hoa. Toàn huyện có 13.000 hộ dân trồng hoa, cây ăn quả, tổng cộng hơn 600 ha, hoa và cây cảnh với khoảng 15 đến 17 triệu sản phẩm phục vụ Tết. Riêng hoa Tết, khoảng 2 triệu giỏ, giảm 800.000 giỏ.
“Hiện nhiều nhà vườn chỉ vừa mới trồng vạn thọ, nếu thời gian tới, dịch bệnh ổn định, có thông tin mở lô cho thuê bán, sản lượng có thể tăng lên. Bà con nên chủ động theo dõi thời sự để kịp thời ứng phó”, ông Liêm nói.
Chợ Lách là thủ phủ hoa thứ hai ở miền Tây, sau làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp). Cuối năm 2019, nước mặn xâm nhập sâu và bất thường, khiến các chủ vườn lâm vào cảnh “ngồi trên đống lửa”. Để cứu hoa Tết, nhiều người đã phải dùng nước mưa dự trữ tưới cầm chừng, hoặc mua nước ngọt chở từ các sà lan với giá 50.000 đồng mỗi khối. Tỉnh Bến Tre đã hỗ trợ gần 39 tỷ đồng cho người dân khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Tại làng hoa Sa Đéc, các chủ vườn cũng lo lắng tình hình dịch bệnh sẽ khiến sức mua trong dịp Tết giảm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, diện tích hoa Tết trên địa bàn năm nay không giảm, khoảng 100 hecta trong trong số 620 hecta hoa kiểng. Nông dân làng hoa Sa Đéc sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 3 triệu giỏ hoa các loại, tương đương năm trước.
Để hạn chế tình trạng “dội hàng” trong vụ Tết, địa phương đã vận động các chủ vườn chuyển sang trồng hoa kiểng công trình và kiểng lá bán quanh năm. Riêng vụ hoa Tết thì tập trung vào các giống hoa mới lạ để tạo sức hút. “Chúng tôi khuyến khích bà con trồng hoa quanh năm, vừa trồng hoa vừa làm du lịch. Nông dân hiện nay cũng đã kết nối được với các tỉnh, hợp tác xã, tổ liên kết trong và ngoài tỉnh nên đầu ra tương đối ổn định”, bà Ngọc nói.
Hoàng Nam – Long Hồ – Vnexpress