2 năm đổi đời của cậu bé bán rong nói được 15 thứ tiếng

CampuchiaSau khi nổi tiếng khắp thế giới nhờ khả năng ngoại ngữ, Thuch Salik nhận học bổng theo học ngôi trường ở Trung Quốc và mơ ước trở thành doanh nhân tương lai.
Salik của hai năm trước (áo đỏ) và hiện tại. Ảnh: CNA.
Salik của hai năm trước (áo đỏ) và hiện tại. Ảnh: CNA.

Cho đến năm 14 tuổi, thế giới của Thuch Salik chỉ quẩn quanh những con phố ở Siem Reap, Campuchia, nơi cậu bé hàng ngày đi bán rong những món đồ lưu niệm cho khách du lịch để kiếm tiền phụ cha mẹ.

Sống trong một cái lán bên ngoài quần thể đền Ankor Wat, Salik chỉ có thể đến trường nửa ngày, nhưng cậu bé thực sự ham học, luôn mơ ước được du học. Những tưởng chuyện này là không thể vào năm 2018 nhưng năm ngoái, Salik cũng đã trở thành học sinh một ngôi trường cấp ba ở Trung Quốc, là người Campuchia duy nhất theo học trường Ngoại ngữ Hailiang ở tỉnh Chiết Giang.

Salik “có chút sợ hãi”, nhưng em biết đây là một cơ hội “tuyệt vời”.

“Khi còn ở Siem Reap, gia đình cháu gặp khó khăn trong việc kiếm kế sinh nhai. Cháu chỉ có thể học ở trường nửa ngày. Học xong, cháu phải phụ mẹ bán hàng. Cháu gần như không có thời gian chơi đùa với bạn bè. Bây giờ thì cháu phải học nhiều hơn. Nhưng những lúc rảnh, cháu có nhiều bạn để giao lưu”, Salik nói.

Sau 2 năm, hiện tham vọng của Salik cũng đã lớn hơn. Ở tuổi 16, cậu hy vọng sẽ trở thành một doanh nhân và cống hiến cho quê hương mình.

Salik nổi tiếng trên mạng xã hội vào tháng 11/2018 sau khi nói chuyện lưu loát bằng tiếng Trung Quốc với một du khách Malaysia lúc bán rong quà lưu niệm bên ngoài đền Angkor Wat.

Hiếu kỳ, nữ du khách thử nói bằng tiếng Pháp, và ngạc nhiên khi Salik cũng đáp lại một cách trôi chảy. Cậu bé còn nói được tiếng Quảng Đông và tiếng Nhật. Tổng cộng, Salik có thể giao tiếp được bằng 15 thứ tiếng sau 3 năm đi bán hàng rong.

Nữ du khách quay lại cuộc đối thoại rồi đăng lên mạng xã hội. Khi đó, chị Mann Vanna, mẹ của Salik, cũng đang bán khăn quàng và các sản phẩm quần áo khác tại một ki-ốt nhỏ, còn người bố làm họa sĩ của em kiếm sống bằng việc bán tranh.

Salik khi còn là cậu bé bán hàng rong. Ảnh: CNA.
Salik khi còn là cậu bé bán hàng rong. Ảnh: CNA.

Nhiều người yêu quý đã gửi tiền đến giúp đỡ gia đình Salik. Một doanh nhân giàu có Campuchia còn hỗ trợ chuyển cả nhà Salik đến một căn hộ trên sân thượng ở Phnom Penh, cho chị Mann quản lý một cửa hàng quần áo và trả hết khoản nợ 60.000 USD cho cả gia đình. Doanh nhân này cũng là người bảo trợ việc học hành của Salik.

Salik sau đó được người sáng lập Tập đoàn Giáo dục Hailiang, một trong những tổ chức lớn nhất trong lĩnh vực các trường học tư thục ở Trung Quốc, để ý đến.

“Trong một video khác, Salik nói muốn đến Trung Quốc, được học ở Bắc Kinh, vì thích tiếng Quan Thoại. Chính những lời này của cậu bé đã khiến ông chủ của chúng tôi xúc động”, Chen Junwei, người hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành của tập đoàn, nói. “Ông ấy muốn giúp Salik hoàn thành ước mơ”.

Chen và vài nhân viên đã bay tới Campuchia để tìm Salik và thuyết phục gia đình cho cậu bé theo học ở trường Hailiang dưới dạng học bổng.

“Chúng tôi mua rất nhiều quà đến, chẳng hạn như đồng phục trường, ba lô, nhiều món đồ khác nữa và tới khách sạn để gặp Salik và bố mẹ em”, Chen kể. “Chúng tôi cảm thấy Salik là một đứa trẻ rất thông minh, có tài, chỉ số EQ của cậu bé cũng rất cao. Mọi người đều yêu quý sau khi tiếp xúc với Salik”.

Tuy miễn cưỡng nhưng chị Mann cuối cùng cũng đồng ý để con trai đi. Chị thấy “sợ hãi và lo lắng” bởi Salik còn quá nhỏ và có thể “gặp khó khăn để thích nghi” với cuộc sống ở một đất nước xa lạ. Chị cũng lo con “nhỏ bé, gầy gò” trong khi Trung Quốc lại rất lạnh.

Cuộc sống của cậu bé bán hàng rong biết nói 16 thứ tiếng sau 2 năm trở nên nổi tiếng

Vợ chồng Mann cũng rất hoài nghi về lời đề nghị học bổng của trường Hailiang, cho rằng nó tuyệt vời đến mức khó tin. Không còn sự lựa chọn nào khác, nhóm của Chen đành quay lại Trung Quốc. Nhưng trong vài tháng tiếp theo, anh vẫn tiếp tục thảo luận với bố mẹ Salik, thậm chí dẫn cặp vợ chồng đi tham quan trường Hailiang.

Sau chuyến thăm, họ gần như thay đổi suy nghĩ, nhưng đến lúc về nhà thì vẫn kiên quyết phản đối. Nhận thấy giấc mơ của mình có thể sẽ chẳng thành sự thật, Salik cầu xin bố mẹ hãy suy nghĩ lại.

Cuối cùng, sự thật lòng và quyết tâm của đội ngũ từ Hailiang cũng thuyết phục được bố mẹ Salik. Cậu bé “đã rất hạnh phúc và nhảy khắp nhà” lúc bố mẹ cho phép sang Chiết Giang, Trung Quốc, du học.

“Lúc mới tới, tuổi của Salik đáng lẽ phải học cấp hai, nhưng trình độ của cậu bé, xét về nhiều môn học khác ngoài ngôn ngữ, thì chỉ tương đương mức tiểu học”, Chen kể. “Dù rất khó nhưng Salik thực sự là đứa trẻ chăm chỉ”.

Để giúp Salik sớm bắt kịp bạn bè, tập đoàn Hailiang dạy một kèm một cho cậu bé trong năm đầu tiên.

“Cháu đã bắt đầu đuổi kịp chương trình. Hiện tại, sau một năm, cháu có thể học cùng các bạn khác”, Salik tự hào chia sẻ.

Nhà trường cũng bố trí một giáo viên kỹ năng sống giúp Salik thích nghi với cuộc sống mới. Họ thậm chí còn lên kế hoạch gửi cậu bé tới Đại học Bắc Kinh sau khi tốt nghiệp cấp 3 Hailiang.

“Chúng tôi hy vọng cậu bé có thể tiếp tục học thêm và tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ. Trong suốt quá trình này, chúng tôi sẽ tài trợ hoàn toàn, bao gồm cả chi phí ăn ở”, Chen nói. “Với một đứa trẻ thông minh, biết suy nghĩ cho tương lai và tinh tế như Salik, tôi tin nếu có thể hoàn thành bằng tiến sĩ ở Trung Quốc rồi quay về Campuchia, cậu bé sẽ có sức ảnh hưởng lớn tới thế hệ sau”.

Salik (hàng trên, thứ ba từ trái sang) lọt thỏm khi đứng giữa bạn cùng lớp. Ảnh: CNA.
Salik (hàng trên, thứ ba từ trái sang) lọt thỏm khi đứng giữa các bạn cùng lớp. Ảnh: CNA.

Hồi tháng 1, khi Salik về nước vào dịp nghỉ đông, cậu bé không biết rằng mình sẽ phải ở lại Campuchia vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc các chuyến bay thẳng quốc tế phải ngừng hoạt động suốt nhiều tháng.

Tập đoàn Hailiang lúc này sắp xếp tạo điều kiện để Salik học qua các lớp online.

Sự nổi tiếng và bền lòng của Salik cũng nhận được sự chú ý của công ty giải trí trong nước First Unite Network (Fun) Entertainment. Giám đốc nghệ thuật và sự kiện của công ty, ông Utdom Sambo, cho hay tổ chức này nhận thấy “kỹ năng thuyết phục”, “nhân cách tốt” và tư duy của Salik giống như một người “có thể giáo dục và lan tỏa những việc làm tốt đẹp”.

“Những điều đó phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi”, ông Utdom nói, cho biết chính những phẩm chất trên là lý do khiến ông tin Salik sẽ trở thành “hình mẫu chuẩn mực” khi là thành viên của Fun Entertainment. Hiện Salik học các lớp khiêu vũ tại công ty này, đồng thời tham gia thêm nhiều tổ chức từ thiện và hoạt động vì xã hội khác.

“Salik cũng đã đến công ty để học hỏi các kỹ năng mềm khác, chẳng hạn như giao tiếp và chỉnh sửa video, bởi cậu bé có đam mê với chúng”, ông Utdom nói. “Chúng tôi tin rằng trong tương lai, Salik có thể điều hành một doanh nghiệp thành công. Cậu bé sẽ trở thành một nguồn nhân lực hiếm có ở Campuchia”.

Tuy vậy, Salik khẳng định trọng tâm của em bây giờ vẫn là học. Salik nhận ra mình có “nhiều nhà tài trợ”, và muốn “đền đáp họ bằng cách nỗ lực học hành để giúp đỡ đất nước”.

“Nếu được dự đoán, cháu nghĩ mình sẽ trở thành doanh nhân, mang công nghệ tiên tiến và những điều mới mẻ từ nước ngoài về. Cháu sẽ sáng tạo ra thứ gì đó và có thể xây dựng mối quan hệ bằng hữu tốt đẹp giữa Campuchia và Trung Quốc”, Salik nói.

Hướng Dương (Theo CNA) – Ngoisao.net