Các chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh thiết kế đoạn 170 m tường vây tuyến metro số 1 giảm độ dày từ 2 m xuống 1,5 m cần được thẩm định lại để làm rõ chuyện tiết kiệm hay gây nguy hiểm
Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu – Đường – Cảng TP HCM, cho biết ngày 26-12, ông đã làm việc với UBND TP HCM liên quan đến dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Theo đó, việc thay đổi thiết kế tường vây thuộc gói thầu CP1a, đoạn hầm ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP đang được UBND TP nghiên cứu, tính toán để đánh giá thật kỹ lưỡng và khách quan.
Sai quy trình vì… chưa biết?
Trong khi đó, trao đổi với báo chí chiều 26-12, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị (QLĐSĐT), đã thừa nhận việc thay đổi thiết kế tường vây là sai quy trình. Cụ thể, theo ông Quang, từ ngày 8-12-2015, UBND TP đã ủy quyền cho Ban QLĐSĐT chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục.
“Anh em cứ nghĩ tổ chức là tự mình làm luôn, trong khi đáng lẽ sau khi tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, khi hoàn thành báo cáo thẩm định sẽ trình UBND TP hoặc chuyển cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tùy theo thời điểm. Nhưng anh em từ thời điểm đó trở đi như anh Bùi Xuân Cường (trước là Trưởng Ban QLĐSĐT – PV) cũng ký, tôi cũng ký khi về công tác tại ban từ tháng 6-2016 mà không biết. Ngoài ra, từ ngày 1-6-2017, nội dung ủy quyền của TP không còn phù hợp với Nghị định 42/2017 của Chính phủ và việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình tuyến metro số 1 thuộc thẩm quyền Sở GTVT. Trước tình hình đó, UBND TP mới quyết định kể từ ngày 8-12-2015 đến ngày 1-6-2017 những hồ sơ nào đã ký đưa về Sở GTVT tập hợp, báo cáo UBND TP. Từ ngày 1-6-2017 cho đến sau này thì chuyển cho Sở GTVT rà soát lại. Thành ra chỗ này mình làm chưa đúng quy trình” – ông Quang tiếp tục thừa nhận.
Tuy thừa nhận điều chỉnh thiết kế không đúng quy trình nhưng ông Quang lại cho rằng việc điều chỉnh về yếu tố kỹ thuật là bảo đảm và giúp tiết kiệm được 93 tỉ đồng cùng giảm 5 tháng thi công. Trước lo ngại tường vây bị “bóp lại” sẽ đẩy các chi phí bảo dưỡng lên cao nên không thể gọi là tiết kiệm, đó là chưa kể độ chịu lực không đúng thiết kế gây biến dạng với tổng thể công trình có thể gây sụp, lún, nguy hiểm, Trưởng Ban QLĐSĐT cho biết ngoài Ban QLĐSĐT còn tư vấn của Nhật Bản, tư vấn độc lập của Việt Nam khẳng định việc thay đổi từ 2 m xuống 1,5 m hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình.
Ngoài ra, ông Quang còn thông tin để đánh giá khách quan độ an toàn của tường vây, UBND TP đã giao Sở GTVT mời Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI, thuộc Bộ GTVT) thẩm tra độc lập, kết quả cũng tương tự.
Không phải ngẫu nhiên ban đầu được thiết kế 2 m
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng vì việc thay đổi thiết kế làm sai quy trình nên nhất thiết để bảo đảm chất lượng thì phải thẩm định thêm bởi một đơn vị độc lập, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm do UBND TP mời và lập chứ không phải do Ban QLĐSĐT mời.
Trước lập luận của ông Quang, một kỹ sư tham gia nhiều công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực cầu đường (đề nghị không nêu tên) cho rằng độ dày tường vây tùy thuộc vào biện pháp thi công miễn sao cho thuận tiện nhưng vẫn bảo đảm khả năng chịu lực. Tuy nhiên, nếu giảm bề dày từ 2 m xuống 1,5 m thì mác thép và mác bê-tông phải tăng lên để bảo đảm khả năng chịu lực như thiết kế ban đầu. “Mác thép và mác bê-tông càng cao thì chi phí càng lớn. Do đó, dù khối lượng bê-tông và thép giảm xuống nhưng chi phí cho mác thép và mác bê-tông tăng lên nên cũng phải đối chiếu lại thì mới xác định là chi phí có giảm như ông Quang nói hay không” – vị này thông tin.
Về biện pháp thi công, vị kỹ sư này cho hay trong quá trình thi công tường vây, chủ đầu tư thường khảo sát xem các nhà thầu thi công hiện đang dùng loại gàu nào và điều chỉnh cho phù hợp nhằm rút ngắn thời gian. Hiện các nhà thầu ở Việt Nam không có gàu kích thước 2 m mà thường chỉ từ 1,5 m trở xuống. “Ngoài ra, theo thông tin từ Sở GTVT TP, để bảo đảm an toàn cho công trình và công trình lân cận thì giải pháp được đưa ra là phải tăng cường khung chống tường vây, việc khắc phục đã được thực hiện xong. Như vậy, việc giảm 4 triệu USD đã trừ chi phí thi công phần khung chống tường vây hay chưa cũng cần được làm rõ thì mới có thể khẳng định là giảm chi phí” – kỹ sư này đặt vấn đề.
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường (thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM), chưa nói đến vấn đề tường vây metro số 1 giảm độ dày từ 2 m xuống 1,5 m ảnh hưởng đến chất lượng công trình như thế nào nhưng cho thấy ngay từ khâu ban đầu, việc thiết kế, thẩm định và kiểm tra đã thiếu chặt chẽ. Theo lý giải từ chủ đầu tư, việc thay đổi thiết kế như vậy giúp tiết kiệm chi phí và thời gian thi công. Tuy nhiên, với một công trình như metro thì yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu. “Trong thiết kế ban đầu, không phải ngẫu nhiên mà đoạn này được thiết kế độ dày 2 m, vì vậy các yếu tố kỹ thuật cần phải đánh giá lại kỹ lưỡng, có sự thẩm định của những đơn vị bảo đảm năng lực” – ông Ninh khuyến cáo.
Theo SỸ ĐÔNG – GIA MINH – PHAN ANH (Người lao động)