Nhà thơ Mỹ Louise Glück giành Nobel Văn học

Nữ nhà thơ Mỹ Louise Glück đoạt giải Nobel Văn học 2020, theo thông báo từ Viện Hàn lâm Thụy Điển chiều 8/10.

Viện Hàn lâm trao giải cho Louise Glück vì “một giọng thơ không lẫn vào đâu được, với vẻ đẹp khắc khổ khiến sự tồn sinh của cá nhân trở nên phổ quát”. Bằng ngôn ngữ thi ca, bà kể những trải nghiệm cá nhân liên quan đến lịch sử, thiên nhiên, cuộc sống hiện đại. Anders Olsson, chủ tịch ủy ban Nobel, nói Gluck sử dụng ngôn ngữ “thẳng thắn, không khoan nhượng, đó là tín hiệu cho thấy nhà thơ này muốn được thấu hiểu. Cô ấy cũng rất hài hước và sâu cay”.

Louise Glück là tác giả nữ thứ 16 đoạt Nobel Văn học, giải thưởng bao gồm 10 triệu kronor. Ảnh: Pw.
Louise Glück là tác giả nữ thứ 16 đoạt Nobel Văn học, giải thưởng bao gồm 10 triệu kronor. Ảnh: Pw.

Louise Elisabeth Glück sinh năm 1943 ở New York (Mỹ), là tác giả của 12 tuyển tập thơ, một tiểu luận về thi ca. Năm 1968, bà phát hành tập thơ đầu tiên – Firstborn, “nhanh chóng được ca ngợi như một trong những nhà thơ nổi bật của văn học đương đại Mỹ” – theo Viện Hàn lâm. Sau đó, vì những đổ vỡ từ cuộc hôn nhân thứ nhất, sự nghiệp viết lách của bà ngưng trệ vài năm. Năm 1971, khi bắt đầu giảng dạy về thơ ở Đại học Goddard, bà sáng tác lại và ra mắt tập thơ thứ hai bốn năm sau đó – The House on Marshland. Các chuyên gia Mỹ đánh giá tác phẩm mang tính đột phá, với cách diễn đạt không thể trộn lẫn.

Tập thứ ba của Glück, Descending Figure, xuất bản năm 1980. Tác phẩm thành công về mặt doanh thu nhưng nhận một số chỉ trích về cách diễn đạt và chủ đề. Nhà thơ Greg Kuzma đã buộc tội Glück là “kẻ ghét trẻ em” bởi bà sáng tác bài The Drowned Children (Những đứa trẻ chết đuối). Cùng năm, nữ tác giả gặp biến cố vì một trận hỏa hoạn thiêu trụi ngôi nhà và toàn bộ tài sản của bà. Sau thảm kịch, khuynh hướng sáng tác của bà thay đổi, thể hiện qua tuyển tập The Triumph of Achilles (1985). Nhà phê bình Liz Rosenberg nhận xét ngôn từ của bà “rõ ràng, tinh tế, sắc sảo hơn” các tác phẩm trước. Trên tờ The Georgia Review, nhà phê bình Peter Stitt nhận xét bà là “một trong những nhà thơ quan trọng của thời đại chúng ta”. Bài thơ Mock Orange của bà được các chuyên gia ví von là bài ca về nữ quyền, được giảng dạy ở nhiều trường đại học.

Cái chết của người cha trở thành cảm hứng để Glück sáng tác tập thơ Ararat (1990). Nhà phê bình Dwight Garner gọi tác phẩm là “cuốn sách tàn bạo, đau khổ nhất của thơ ca Mỹ được xuất bản trong 25 năm qua”. Trong tập The Wild Iris (1992), Glück nói về thiên nhiên thông qua cuộc trò chuyện của những bông hoa cùng người làm vườn và một vị thần về bản chất cuộc sống. Tác phẩm giành giải Pulitzer năm 1993, giúp bà trở thành nhà thơ đương đại xuất chúng của Mỹ.

Sự kiện khủng bố ngày 11/9/2011 thôi thúc bà viết tập thơ October. Trong đó, bà dựa trên thần thoại Hy Lạp để nói về những vết thương, sự đau khổ. Thập niên 2000 và 2010, bà xuất bản các cuốn Averno (2006), A Village Life (2009), Faithful and Virtuous Night (2014). Tuyển tập gần nhất của bà mang tên American Originality, ra mắt năm 2017. Bà được cựu Tổng thống Mỹ Brack Obama trao Huân chương quốc gia về nghệ thuật và nhân văn năm 2015.

Louise Glück gặp Brack Obama tại Nhà Trắng năm 2015. Ảnh: AP>
Năm 2015, Louise Glück gặp Brack Obama – Tổng thống Mỹ khi đó – tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Trước khi công bố kết quả, The Guardian dự đoán Viện Hàn lâm sẽ có lựa chọn an toàn sau những bê bối vài năm gần đây. Peter Handke – một trong hai chủ nhân của giải thưởng năm ngoái – bị tẩy chay do bày tỏ quan điểm chính trị. Năm 2018, giải bị hoãn vì bê bối tình dục của ông Jean-Claude Arnault – chồng nhà thơ Katarina Frostenson – thành viên chủ chốt trong hội đồng.

Tiểu thuyết gia Nhật Bản Murakami tiếp tục vô duyên với giải thưởng. Hàng năm, vào thời khắc công bố giải Nobel, những người hâm mộ ông sẽ tụ tập xem buổi lễ, uống rượu whisky giống bối cảnh quen thuộc trong các tác phẩm của ông. Tờ The Guardian đánh giá việc ông nhiều năm không đoạt giải dần trở thành một trò đùa. Năm ngoái, tờ Japan Times đã đăng một bài báo với giọng điệu gay gắt nói về nỗi thất vọng sâu sắc của nước Nhật: “Trong toà soạn báo của hãng thông tấn Kyodo, những tiếng la ó thất vọng vang lên, rượu champagne được mang trả về tủ lạnh, những đôi tay run rẩy gõ loạt tin tức cay đắng”.

Nobel Văn học là giải thưởng thường niên có lịch sử hơn 100 năm, do Viện Hàn lâm Thụy Điển bình chọn, bên cạnh các giải vật lý, hóa học, y học, kinh tế và hòa bình. Hội đồng bình chọn không bao giờ hé lộ dấu hiệu về nhân vật có khả năng đoạt giải cho tới khi công bố kết quả. Danh sách rút gọn của các ứng viên sẽ được tiết lộ 50 năm sau đó. Giải lần đầu được trao cho nhà thơ Pháp – Sully Prudhomme – năm 1901.

Hà Thu – Vnexpress