Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các dưới thời Shinzo Abe, hôm 16/9 trở thành tân Thủ tướng Nhật sau cuộc bỏ phiếu của quốc hội. Suga tiếp quản vị trí từ Abe, người giữ chức thủ tướng lâu nhất Nhật Bản nhưng phải tuyên bố từ chức hôm 28/8 vì lý do sức khỏe.
Giới quan sát cho rằng việc kế nhiệm Abe, chính khách có khả năng đối ngoại mạnh mẽ và độ nhận diện cao khắp thế giới sau nhiều năm cầm quyền, sẽ trở thành một thách thức lớn đối với Suga. Giới chuyên gia đánh giá khả năng đối ngoại của Suga, người nhiều năm làm “cánh tay phải” cho Abe trong các vấn đề đối nội, hầu như chưa được kiểm chứng.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn đầu tiên của Suga trên cương vị mới là xây dựng quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều mà Abe được đánh giá đã làm rất tốt. Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Trump sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tháng 5/2019, Abe cũng mời Trump đến Nhật, khiến Tổng thống Mỹ trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gặp tân Nhật hoàng Naruhito.
Trong chuyến thăm Nhật năm ngoái, Trump đã cùng Abe chơi golf, chụp ảnh selfie, ăn hamburger vào bữa trưa, xem thi đấu sumo và dùng bữa tối với thịt nướng kiểu Nhật. Sau khi Abe tuyên bố từ chức, Trump đã gọi ông là “thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản”, thêm rằng quan hệ Mỹ – Nhật “tốt chưa từng có”.
“Sự lãnh đạo về đối ngoại của Thủ tướng Abe thực sự tuyệt vời. Tôi không nghĩ rằng mình có thể sánh được”, Suga phát biểu hôm 12/9, nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Abe về quan hệ ngoại giao.
Suga có lẽ không thể xây dựng mối quan hệ cá nhân với Trump tốt như Abe. Tuy nhiên, theo Yoshikazu Kato, chuyên gia tại Viện Toàn cầu châu Á thuộc Đại học Hong Kong, với vai trò “cánh tay phải” của cựu thủ tướng Nhật suốt 8 năm qua, Suga hiểu rất rõ cách điều tiết mối quan hệ với Mỹ.
“Suga không cởi mở bằng Abe, nhưng ông ấy biết mình phải làm gì, ít nhất là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11”, Michael Green, phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định. “Một trong những công việc quan trọng nhất của Suga sắp tới là xử lý các phát ngôn và sự khó đoán của Trump”.
Thêm vào đó, quan hệ Mỹ – Nhật còn tồn tại nhiều vấn đề. Trump vẫn áp thuế với nhôm và thép Nhật Bản, gây áp lực cuốn Abe vào một thỏa thuận thương mại một chiều, đồng thời đề xuất tăng gấp 4 lần chi phí 2 tỷ USD mà Nhật trả cho quân đội Mỹ đồn trú tại nước này. Ông chủ Nhà Trắng cũng rút Washington khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại lớn trong khu vực mà Tokyo từng thúc đẩy nhằm kiềm chế sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Suga không phải một người hoàn toàn xa lạ ở Washington, bởi ông vốn đã xây dựng quan hệ với một số quan chức Mỹ hàng đầu. Tân thủ tướng Nhật từng gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Tokyo hồi năm 2018, tới thăm thủ đô Washington vào tháng 5/2019 và gặp Phó tổng thống Mike Pence.
Giới chuyên gia nhận định Suga sẽ theo dõi sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhằm xác định khả năng Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đắc cử ảnh hưởng đến Nhật như thế nào.
“Nhật vô cùng quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ, bởi chính sách với Trung Quốc của Biden ảnh hưởng đến Nhật Bản rất sâu sắc. Tokyo muốn Washington ngăn cản tham vọng quân sự của Bắc Kinh tại châu Á”, Mieko Nakabayashi, giáo sư tại Đại học Waseda của Nhật, cho hay.
Suga lên nắm quyền ngay giữa bầu không khí địa chính trị căng thẳng, khi quan hệ Mỹ – Trung xuống mức thấp nhất suốt nhiều thập kỷ. Do đó, thử thách đặt ra cho tân Thủ tướng Nhật, người lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, là cân bằng quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple cơ sở Tokyo, nhận định Suga sẽ ưu tiên quan hệ với Washington, nhưng vẫn tìm cách duy trì không khí nồng ấm với Bắc Kinh. Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã cải thiện dưới thời Abe, nhưng vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là tranh chấp liên quan tới nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Bài xã luận cuối tháng trước trên Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh giá Trung Quốc “phải giành được sự ủng hộ của những quốc gia như Nhật” khi đối mặt với “sự kiềm chế chiến lược đến từ Mỹ”.
Bản thân Suga cũng cho biết ông muốn giải quyết một số công việc còn dang dở trên mặt trận ngoại giao. Abe đã thất bại trong mục tiêu xử lý một số vấn đề từ thời Thế chiến II, bao gồm nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên, ký hiệp ước hòa bình với Nga để chính thức chấm dứt quan hệ thù địch từ sau cuộc chiến.
Trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng, Suga cho biết ông sẽ cân nhắc việc gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần điều kiện tiên quyết. Tân thủ tướng Nhật bày tỏ mong muốn “tạo bước đột phá” về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật trong những năm 1970 và 1980, mục tiêu mà Abe lấy làm tiếc khi không hoàn thành.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên cũng là một vấn đề gây lo ngại ở Nhật, khiến nhiệm vụ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ thêm quan trọng. Bất chấp việc ngay cả một số người tại Nhật cảm thấy không yên tâm về chính quyền mới, giới chuyên gia vẫn đánh giá liên minh Mỹ – Nhật có khả năng duy trì được sự ổn định dưới thời Suga.
“Nếu Suga nối gót Abe, điều rất có khả năng, ông ấy sẽ tìm kiếm quan hệ kinh tế tốt hơn với Trung Quốc bất chấp mâu thuẫn về an ninh, lãnh thổ, lịch sử, đồng thời bằng mọi giá duy trì hợp tác an ninh với Mỹ”, chuyên gia Kingston nhận định.
Kristi Govella, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii ở Mỹ, bổ sung thêm rằng nền tảng liên minh Mỹ – Nhật sâu sắc hơn nhiều so với quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo.
“Mỹ và Nhật có chung những giá trị và lợi ích quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ để duy trì quan hệ tốt đẹp với nhau. Điều này khó có thể thay đổi dưới chính quyền Suga. Tokyo là đối tác chủ chốt của Washingon trong việc đối phó với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, duy trì sự ổn định tại khu vực”, Govella cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Time) – Vnexpress