Chiều 16/9, phiên xử cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài, 68 tuổi, và đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tiếp tục với phần thẩm vấn Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue).
Về mối quan hệ với ông Tài, Thúy nói, biết ông Tài từ trước và ông này “khá thân với người nhà bị cáo”. Tuy nhiên, trả lời tòa sáng nay, ông Tài cho rằng chỉ quan hệ với Thúy như với các doanh nghiệp khác.
Thúy bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Tài, gửi văn bản cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà (QLKDN) thành phố, tự nhận Hoa Tháng Năm là công ty “có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính” để xin tham gia thực hiện dự án khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1, mà không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm chỉ vừa thành lập và chưa tham gia bất cứ dự án nào.
Tháng 8/2010, ông Tài chấp thuận cho Công ty QLKDN hợp tác với công ty của Thúy và 4 công ty của Bộ Công thương, thành lập Công ty CP Đầu tư Lavenue (Thúy làm Chủ tịch) thực hiện dự án. Phó chủ tịch cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các sở ngành hoàn tất thủ tục cho công ty này được giao và thuê nhà đất gần 5.000 m2 tại 8-12 Lê Duẩn, gây thiệt hại 1.927 tỷ đồng.
Vẻ bình thản, giọng rõ ràng, Lê Thị Thanh Thúy khai, biết đến dự án xây khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại khi tham gia buổi chia sẻ của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hoàng Quân hồi tháng 8/2010. Vì muốn tham gia đầu tư, Thúy được ông Quân giới thiệu gặp Nguyễn Thị Thu Thủy (Giám đốc Công ty QLKDN, đang bị truy nã).
“Ngài Chủ tịch nói rằng em cứ gặp chị Thủy. Bên đó họ có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, xem có dự án nào hay không. Ngay ngày đầu tiên gặp chị Thủy, chị ấy giới thiệu cho tôi rất nhiều dự án, quận 1 có, quận 3 có. Nhưng cuối cùng tôi tâm đắc với dự án này và xin hợp tác”, Thúy khai.
Chủ tọa hỏi: “Bị cáo quen biết nhiều lãnh đạo thành phố như vậy có biết là thực hiện dự án phải tuân thủ các quy định gì không? Khi tham gia dự án có biết Quyết định 09 của Thủ tướng, quy định của Ban chỉ đạo 09 về sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước không?”. Thúy đáp nhanh: “Bị cáo không biết. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết đến Quyết định 09”.
Thuý cho rằng theo kiến thức của mình về Luật Doanh nghiệp, biết mình có quyền mua cổ phần các công ty khác, tham gia các hoạt động đầu tư. “Vì được lãnh đạo thành phố giới thiệu làm việc với bà Thủy – Giám đốc công ty nhà nước từng làm rất nhiều dự án ở Sài Gòn, nên bị cáo tuyệt đối tin tưởng. Tất cả do bà Thủy làm, bị cáo chỉ lo phần thiết kế”, Thúy nói.
“Cáo trạng truy tố bị cáo vậy có đúng không?”, tòa hỏi. Thúy nói: “Cáo trạng sai”.
Tham gia thẩm vấn, đại diện VKS hỏi: “Công ty Hoa Tháng Năm được quyền tham gia góp vốn, bị cáo dự đoán sinh lợi bao nhiêu?”. Thúy tính toán, thời gian đầu chấp nhận lỗ, nhưng sau 15 năm sẽ có lãi, ước tính 30%. “Bị cáo rất áp lực khi tham gia dự án lớn như vậy. Khách sạn và căn hộ cho thuê là một vụ đầu tư mạo hiểm, không phải vào là có lãi ngay. Tôi cố gắng hết mình, quyết tâm, mong muốn có lãi để làm nền tảng cho gia đình, các con sau này”, Thúy nói.
Trả lời về việc Công ty Lavenue có bao nhiêu tiền lúc bị cáo bị bắt, Thúy bật cười: “Hiện, công ty này lỗ, đã hết tiền từ lâu. Thực tế Công ty Hoa Tháng Năm phải chi tiền cho công ty này hoạt động”.
Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Lavenue nói rằng biết Công ty TNHH đầu tư Kido mua toàn bộ cổ phần của 4 công ty thuộc Bộ Công thương, thông qua các hợp đồng mua bán, nhưng “không để tâm”.
Đại diện VKS hỏi ông Nguyễn Thành Tài: “Khi bị cáo nhận được đề nghị làm dự án của Công ty CP Đầu tư Lavenue, Sở Kế hoạch – Đầu tư có văn bản tham mưu cho bị cáo không?”. Ông Tài đáp: “Không có văn bản tham mưu nhưng các sở ngành không ai phản đối”.
“Bị cáo nhận thức như thế nào khi đồng ý cho công ty Hoa Tháng Năm góp vốn 30%”, đại diện VKS hỏi. “Lúc bấy giờ tôi cho là đúng nhưng bây giờ thì thấy là sai”, ông Tài trả lời và tiếp tục viện dẫn những khó khăn về thực tế suy thoái kinh tế, khó kêu gọi đầu tư… như tại phiên tòa sáng nay.
Ngày mai tòa tiếp tục xét hỏi.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, năm 2011, trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý khu đất, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài “vì tình cảm riêng” với Thúy đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thu Thủy, Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Hoài Nam, Trương Văn Út (cựu Trưởng và Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên và Môi trường) cho phép công ty của Thúy tham gia góp vốn thực hiện dự án.
Ngày 19/1/2011, Thúy gửi văn bản cho Thường trực UBND TP HCM cùng bà Đào Thị Hương Lan (Giám đốc Sở Tài chính, thành viên Ban chỉ đạo 09) và Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị được áp dụng 2 hình thức cho thuê đất và giao đất.
Tháng 6/2011, ông Tài ký quyết định cho Công ty Lavenue sử dụng toàn bộ khu đất, hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng tại số 8 Lê Duẩn và cho thuê hàng năm với khu đất số 12 Lê Duẩn. Tổng nghĩa vụ tài chính công ty này phải nộp ngân sách là hơn 647 tỷ đồng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và tiền thuê theo đơn giá thị trường.
Cáo trạng xác định, việc ông Tài chấp thuận áp dụng hai hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng một dự án, cũng như chấp thuận cho Công ty Lavenue thanh lý nhà số 12 Lê Duẩn mà không giao cơ quan chức năng thẩm định giá trị còn lại là trái quy định. Hành vi của các bị cáo dẫn đến khu đất “vàng” bị chuyển nhượng sang công ty của Thúy.
Quốc Thắng – Vnexpress