Trước khi bước vào Asian Cup trong tháng 1/2019, đội tuyển Iran, đối thủ lớn nhất của Việt Nam ở bảng D đang cho thấy họ chưa có sự chuẩn bị tốt nhất.
Dù đang đứng thứ hạng cao nhất châu Á trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Iran lại không thể vô địch Asian Cup trong hơn 4 thập kỷ vừa qua.
Có thể nói rằng Iran là một trong những đội bóng thành công nhất tại châu Á với 3 lần liên tiếp giành cúp vô địch Asian Cup từ năm 1968 đến 1976. Đội bóng ngày ấy sở hữu các huyền thoại như Nasser Hejazi hay Ali Parvin, từng lọt vào tứ kết Thế vận hội 1976 ở Canada.
Thành tích không tồi tại World Cup 2018
Khi nói đến sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh, FIFA World Cup, đội tuyển có biệt danh “Team Melli” cũng từng có 5 lần lọt vào vòng chung kết, trong đó năm gần nhất chính là 2018.
Trên đất Nga, Iran không những có trận thắng thứ hai trong lịch sử các kỳ tham dự World Cup, mà còn thể hiện được ý chí và sự dũng cảm của những chiến binh Tây Á dưới triều đại HLV trưởng Carlos Queiroz.
Nằm ở bảng B, bàn thắng muộn đã giúp Iran đánh bại Morocco trong trận ra quân, trước khi phải khiến “gã khổng lồ” Tây Ban Nha thi đấu vất vả mới giành được chiến thắng 1-0. Iran cũng có được một trận hòa kiên cường trước nhà đương kim vô địch châu Âu Bồ Đào Nha, nhưng chừng đó là không đủ để “Team Melli” giành quyền đi tiếp vào vòng knock-out.
Với màn trình diễn đầy triển vọng tại World Cup, sẽ là quy luật tự nhiên khi người dân Iran chờ đợi đội tuyển quốc gia của họ xưng vương tại đấu trường châu lục sau 43 năm “hạn hán” danh hiệu. Tuy nhiên, con đường mà Queiroz cùng các học trò đang đi chinh phục châu Á không hề bằng phẳng.
Đội tuyển không được đầu tư phát triển
Một trong những lý do khiến bóng đá Iran mang đến nỗi thất vọng trong những năm qua là vấn để thiếu nguồn tiền tài trợ cho đội tuyển quốc gia. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt khác nhau đối với quốc gia kể từ cuối những năm 1970. Việc thiếu vốn đã trực tiếp ảnh hưởng đến đội tuyển Iran khi họ chuẩn bị cho cuộc đua cúp châu lục đầu năm 2019.
Thậm chí, tháng 11 vừa qua, các cầu thủ và thành viên trong ban huấn luyện của đội tuyển Iran phải tiến hành biểu tình bằng cách vô hiệu hóa các tài khoản trên mạng xã hội để bày tỏ sự không hài lòng với việc thiếu các cơ sở hạ tầng cùng sự hỗ trợ của Liên đoàn bóng đá Cộng hòa Hồi giáo Iran (FFIRI) và chính phủ khi họ đang chuẩn bị cho Asian Cup.
Một nguồn tin còn cho hay nhiều cầu thủ và bản thân HLV Queiroz vẫn chưa được trả lương từ chiến dịch World Cup 2018, dẫn đến việc họ cùng nhau vô hiệu hóa tài khoản trên mạng xã hội. Iran cũng gặp thất bại trong việc sắp xếp các trận cầu giao hữu với nhiều đội bóng mạnh phục vụ mục đích chạy đà trước thềm giải đấu.
Trong tháng 11, đội tuyển Iran có hai trận đấu với Trinidad & Tobago và Venezuela. Vào ngày 25/12 vừa qua, Iran bị Palestine cầm chân với tỷ số 1-1. Họ còn một trận giao hữu với người đồng minh thân cận Qatar vào cuối tháng 12 này, trước khi chính thức bước vào chiến dịch giành cúp châu Á cùng với Iraq, Việt Nam và Yemen tại bảng D.
Trục trặc giữa những nhà lãnh đạo
Ngay đến chính bản thân HLV Queiroz cũng gặp vấn đề khi không có mối quan hệ tốt đẹp với các nhân vật quan trọng ở nền bóng đá Iran. Cựu thuyền trưởng Real Madrid từng lên tiếng chỉ trích giải vô địch quốc gia và các CLB Iran, ông cũng không tha cả hai đội bóng lớn là Persepolis FC và Esteghlal FC.
HLV Queiroz dường như có “thù oán” với HLV Branko Ivankovic của Persepolis, đội bóng á quân AFC Champions League. Thuyền trưởng Iran thậm chí còn đòi Tổng thư ký FFIRI Mohammad Saket ra văn bản yêu cầu Ivankovic không được “tạo mâu thuẫn và lục đục” trong nội bộ tuyển Iran.
Sự căng thẳng giữa hai nhà cầm quân đã tạo ra xích mích không đáng có trong nội bộ đội tuyển Iran suốt nhiều tháng qua. Nhiều CĐV còn chỉ trích các quan chức của liên đoàn bóng đá nước này vì cho rằng họ đã không làm gì để hòa giải mâu thuẫn giữa 2 HLV.
Nhưng Ivankovic cũng là một nhân vật vô cùng quan trọng. Chiến lược gia người Croatia từng dẫn dắt Iran tham dự World Cup 2006 và được coi là một trong những ứng viên cho vị trí HLV trưởng Iran thay thế Queiroz, khiến FFIRI lúc này đang rơi vào tình cảnh không thể làm đẹp lòng cả đôi bên.
Đó là chưa kể vị trợ lý Oceano da Cruz của HLV Queiroz từng có lần tấn công một nhà báo Iran sau trận giao hữu với Trinidad & Tobago, khiến nhiều tờ báo địa phương đã quyết định tẩy chay Queiroz kể từ đó.
Chấn thương hành hạ đội tuyển
Một trong những nỗi đau đầu lớn nhất của Queiroz vào lúc này, đó là nhiều cầu thủ đang rơi vào tình trạng chấn thương.
Cụ thể, Saeid Ezzatollahi là ngôi sao đầu tiên bị loại khỏi giải đấu vì được chẩn đoán sẽ phải mất thêm 3 tuần nữa để bình phục chấn thương cơ đùi trước.
Trước đó, Ezzatollahi thuộc biên chế CLB Rostov của Nga, đang khoác áo Reading FC thuộc giải hạng nhất nước Anh. Ezzatollahi gặp phải chấn thương trong trận đấu khoác áo đội tuyển quốc gia hồi tháng 10 vừa qua.
Sự vắng mặt của Ezzatollahi đã tước đi của HLV Queiroz lựa chọn hàng đầu cho vị trí tiền vệ phòng ngự trong đội hình Iran. Một ngôi sao khác cũng đang dính chấn thương là tiền vệ Ali Karimi, người cũng nói lời chia tay giải đấu chỉ một ngày sau khi nhận được tin tức về chấn thương của Ezzatollahi.
HLV Queiroz từng cánh tay phải của Sir Alex Ferguson tại Manchester United. Ông được kỳ vọng sẽ mang hơi thở và tinh thần thi đấu quyết chiến của “Quỷ đỏ” đến với đội tuyển Iran tại chiến dịch Asian Cup 2019 này.
Nếu có thể cùng đội tuyển mang về chiếc cúp bạc châu Á sau 43 năm chờ đợi mòn mỏi, HLV Queiroz sẽ tạo ra một diện mạo mới cho đội tuyển Iran sau chuỗi khó khăn mà họ đang phải đối mặt.