Dusko Popov sinh ra ở Serbia năm 1912 trong một gia đình rất giàu có. Ông học tại một số trường danh tiếng nhất châu Âu, thông thạo tiếng Italy, Pháp, Đức và tốt nghiệp Đại học Belgrade ngành luật. Năm 1934, Popov đến Đức học tiến sĩ và gặp Johann Jebsen. Giống như Popov, Jebsen xuất thân từ một gia đình giàu có và có nhiều sở thích sành điệu.
Hai người nhanh chóng trở thành bạn. Popov mô tả về mối quan hệ của họ: “Cả hai đều mê xe thể thao và tán tỉnh phụ nữ, chúng tôi cũng có đủ tiền để duy trì cả hai sở thích đó”.
Mặc dù Popov không quá điển trai, ông có đôi mắt màu xanh nổi bật khiến nhiều phụ nữ không thể cưỡng lại. Xuất hiện ở nhiều câu lạc bộ với những chiếc xe thể thao sang trọng, Popov và Jebsen nhanh chóng nổi tiếng là các tay sát gái.
Nhưng Popov và Jebsen có một điểm chung nghiêm túc hơn, cả hai đều ghét Đức quốc xã. Popov công khai thể hiện sự ghét bỏ của mình khi tham gia vào các cuộc tranh luận với những sinh viên thân Đức Quốc xã tại Đại học Freiburg. Điều này khiến ông rơi vào tầm ngắm của Gestapo, cảnh sát mật của phát xít Đức. Năm 1937, khi định rời Đức đến Paris để ăn mừng sau khi hoàn thành luận văn tiến sĩ, Popov bị Gestapo bắt.
Jebsen lập tức gọi cho bố của Popov báo tin. Popov bị giam 8 ngày ở nhà tù Freiburg trước khi bố ông nhờ chính phủ Nam Tư can thiệp. Popov được đưa lên một chuyến tàu đến Thụy Sĩ, nơi Jebsen đã đợi sẵn. Biết ơn về sự giúp đỡ của Jebsen, Popov hứa với Jebsen rằng có thể làm bất cứ điều gì để trả ơn.
Năm 1940, Jebsen gặp Popov tại một khách sạn ở Belgrade và thông báo rằng ông đã tham gia cơ quan tình báo quân đội Đức dù ghét bỏ Đức quốc xã, vì đây là cách duy nhất để tránh chiến đấu trên tiền tuyến. Ông muốn Popov trả ơn bằng cách trở thành điệp viên.
Ngoài mặt, Popov nhận lời. Nhưng thực tế, ông không thiết tha làm việc cho những người từng giam cầm mình. Thay vào đó, ông liên lạc với tình báo Anh. Người Anh yêu cầu Popov chấp nhận lời đề nghị của Jebsen và tuồn thông tin từ phía Đức cho họ. Popov trở thành gián điệp hai mang.
Trong một năm sau đó, ông chuyển cho Đức thông tin giả từ Anh. Người Đức nghĩ rằng Popov là một điệp viên có giá trị và trả công hậu hĩnh để ông duy trì lối sống ăn chơi. Ở mỗi thành phố Popov đến, ông đều có những mối quan hệ với các phụ nữ địa phương và thậm chí với các nữ điệp viên.
Popov hứa hẹn với Đức quốc xã rằng sẽ giúp họ lập mạng lưới gián điệp ở London nhưng thực chất, ông đang thực hiện Kế hoạch Midas, số tiền moi được từ Đức quốc xã sẽ được chuyển cho tình báo Anh.
Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch diễn ra mà không gặp trở ngại. Người Đức trao cho Popov 50.000 USD. Ông chỉ cần bàn giao số tiền đó cho người Anh.
Một tối mùa hè năm 1941, Popov bước vào sòng bạc Estoril ở Bồ Đào Nha, mang theo toàn bộ số tiền. Sĩ quan tình báo hải quân Anh Ian Fleming được điều đến để theo dõi Popov, nhằm đảm bảo ông không làm bất cứ điều gì bốc đồng.
Tại sòng bạc, một doanh nhân người Litva lớn tiếng tuyên bố rằng ai muốn chơi bài baccarat tại bàn của ông này có thể đặt cược bất kỳ số tiền nào, ông sẽ đặt cược tương đương. Thái độ của người đàn ông khiến Popov cảm thấy muốn thách thức. Đồng thời, ông cũng muốn trêu chọc Fleming.
Popov ngồi xuống bàn của người đàn ông và đặt cược tất cả 50.000 USD. Cả sòng bạc lặng đi. Fleming “xanh mặt” khi nghĩ rằng mình sắp chứng kiến Popov khiến nhiệm vụ đổ xuống sông xuống bể.
Doanh nhân người Litva bối rối hỏi chủ sòng bạc liệu họ có thể hỗ trợ ông trong trường hợp ông thua tiền hay không. Sau khi sòng bạc từ chối, ông này rút lui. Popov vui vẻ rút tiền khỏi bàn, phàn nàn rằng sòng bạc không nên cho phép những người đánh bài không nghiêm túc như vậy vào chơi.
Nhiệm vụ tiếp theo Đức quốc xã giao cho Popov là thành lập một mạng lưới gián điệp ở Mỹ. Popov cho biết trong một cuộc phỏng vấn thời hậu chiến rằng người Đức đặc biệt quan tâm đến thông tin về căn cứ hải quân Trân Châu Cảng. Điệp viên nói rằng ông đã chuyển thông tin này cho FBI, nhưng Giám đốc FBI J. Edgar Hoover phớt lờ báo cáo do không ưa Popov.
Vài tháng sau khi Popov đến Mỹ, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Hầu hết nhà sử học đồng ý rằng giới lãnh đạo Đức Quốc xã không biết Nhật Bản lên kế hoạch tập kích căn cứ này. Câu chuyện của Popov làm một số người nghi ngờ có thể ai đó trong bộ máy tình báo Đức biết về kế hoạch, nhưng không có bằng chứng thuyết phục để chứng minh.
Sau vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ quyết định tham chiến. Chiến dịch Overlord, mật danh của Trận Normandy, đòi hỏi nỗ lực của mọi điệp viên hai mang mà người Anh có. Đây là cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào bãi biển vùng Normandy ngày 6/6/1944, mở ra công cuộc giải phóng Tây Âu.
Popov được yêu cầu truyền tin giả cho Đức quốc xã rằng cuộc đổ bộ thực chất xảy ra tại Dieppe hoặc Calais. Ông và các điệp viên hai mang khác đã làm tốt đến mức ngay cả sau khi cuộc đổ bộ bắt đầu, Đức quốc xã vẫn cho rằng cuộc đổ bộ Normandy chỉ là đòn nghi binh cho cuộc tấn công thực sự.
Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, Popov chuyển đến sống ở Pháp. Ian Fleming bắt đầu viết loạt tiểu thuyết về nhân vật điệp viên James Bond, bí danh 007, vào những năm 1950.
Vào những năm 1970, sau khi Fleming qua đời, Popov xuất bản một cuốn hồi ký, nói rằng mình là nguyên mẫu của James Bond.
Mặc dù Fleming chưa bao giờ công nhận điều này, nhiều nhà sử học cho rằng Popov thực sự là nguồn cảm hứng cho Fleming. Trong “Sòng bạc Royale”, tiểu thuyết về James Bond đầu tiên của Flemming, Bond khiến một điệp viên Nga thua đau trong ván bài baccarat đặt cược rất lớn, gợi nhớ đến lần Popov thách thức doanh nhân Litva tại sòng bạc Estoril.
“Chúng tôi tin sòng bạc Estoril là nơi ý tưởng về nhân vật James Bond ra đời”, Dejan Tiago-Stankovic, nhà văn người Bồ Đào Nha nói. “Rất có thể Fleming đã xây dựng nhân vật James Bond, ít nhất là một phần, từ Popov”.
Bond và Popov có những điểm chung như có các thú vui sành điệu, lối sống xa hoa và đều là các tay sát gái. “Không có nhiều điệp viên trong lịch sử giống James Bond và Popov thật sự giống James Bond”, Stankovic nói thêm.
Phương Vũ (Theo ATI, BBC) – Vnexpress