“Bệnh nhân 418” điều trị tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng, từ ngày 21/7 với chẩn đoán theo dõi lao phổi bội nhiễm trên nền bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Hai ngày sau, ông được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Chiều 26/7, ông được chuyển sang Khoa Y học nhiệt đới cùng bệnh viện.
Bệnh nhân hiện nằm yên dưới tác dụng của thuốc an thần, giãn cơ, sốt nhẹ.
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Suy tim nặng sẽ dẫn đến suy đa tạng. Khi đó bệnh nhân sẽ nguy kịch, suy hô hấp nặng, cần can thiệp ECMO là hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể, thay thế tim phổi một thời gian để các cơ quan này có thời gian ngưng nghỉ chờ hồi phục.
Đây là ca nhiễm thứ hai được ghi nhận tại Đà Nẵng trong hai ngày qua. Chưa rõ người này có liên quan “bệnh nhân 416” hay không. Cả hai được ghi nhận là lây nhiễm cộng đồng. Tuy nhiên hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm cho họ.
“Bệnh nhân 416”, 57 tuổi, cũng diễn biến nặng rất nhanh, hôm qua phải can thiệp ECMO, lọc máu liên tục. Tiểu ban Điều trị tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng phải thở máy và can thiệp ECMO trong thời gian dài.
Đến chiều nay, bệnh nhân nằm yên dưới tác dụng an thần, giãn cơ, sốt liên tục 38-39 độ C. Ngoài can thiệp ECMO, bệnh nhân phải lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá các chỉ số và chức năng sống của bệnh nhân trong phạm vi kiểm soát.
Hai bệnh nhân đều có các yếu tố nguy cơ diễn biến nặng nhanh khi mắc Covid-19. Họ đều cao tuổi, có bệnh lý nền, lại nhập viện muộn khi đã viêm phổi. “Bệnh nhân 416” có tiền sử u nang trung thất, đã phẫu thuật cách đây hai năm; “bệnh nhân 418” đái tháo đường, cao huyết áp.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Covid-19 có nguy cơ diễn biến nặng hơn ở bệnh nhân lớn tuổi (trên 60 tuổi) hoặc những người có vấn đề sức khỏe, mắc các bệnh mạn tính không lây (cao huyết áp, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính hay đái tháo đường, ung thư…) hoặc các bệnh gây ảnh hưởng hệ miễn dịch.
Lê Nga – Vnexpress