Gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng với xe khách trong khoảng từ 1h tới 6h sáng. TS Trần Hữu Minh cho rằng mỗi vụ tai nạn sẽ có nguyên nhân khác nhau, song nhìn chung nhịp sinh học của con người thường nghỉ ngơi vào ban đêm, tài xế mệt mỏi và buồn ngủ sau khi lái xe một quãng đường dài.
“Lái xe trong trạng thái buồn ngủ thì chỉ sau vài giây là có thể xảy ra tai nạn. Trong khi đó, ban đêm đường vắng dễ tạo tâm lý chủ quan khiến tài xế lái ẩu, chạy quá tốc độ, lấn làn gây các vụ tai nạn thảm khốc với số người tử vong cao”, ông Minh nói.
Theo quy định hiện hành, tài xế xe khách làm việc không quá 10 giờ mỗi ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ. Ông Minh đề nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thời gian làm việc liên tục không quá 2 giờ vào ban đêm, để lái xe có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo tỉnh táo.
“Doanh nghiệp vận tải có thể bố trí các lái xe luân phiên đổi ca tại điểm dừng trên tuyến, thay vì phải đưa nhiều tài xế trên xe”, ông Minh nói.
Ngoài ra, ông Minh cho rằng trong thực tế có tình trạng lái xe chịu sức ép về thời gian chạy cho kịp chuyến hàng hay đúng giờ trả khách, nên thường có tâm lý khẩn trương, không nghỉ ngơi khi có dấu hiệu mệt mỏi. Do đó, cơ quan quản lý cần ra quy định để ngăn chặn tình trạng này.
Với các đơn vị vận tải, ông Trần Hữu Minh đề xuất lập bộ phận quản lý an toàn giao thông để bình giảng và cung cấp thông tin cho tài xế về các cung đường; đưa thêm kiến thức, kỹ năng lái xe ban đêm vào nội dung đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với tài xế xe kinh doanh vận tải.
Vào ban đêm, lực lượng chức năng ít tuần tra, kiểm soát hơn so với ban ngày nên nhiều tài xế có tâm lý chủ quan là vi phạm không bị xử lý. Do vậy, ông Minh cho rằng cần tăng cường lắp camera phạt nguội trên các tuyến đường đèo dốc, quốc lộ chính để xử phạt tài xế chạy quá tốc độ, lấn làn. Các tuyến đường cũng cần lắp đặt đinh phản quang để giúp lái xe nhận diện làn đường trong đêm tối.
Đồng quan điểm, chuyên giao giao thông Nguyễn Văn Thanh nói với những xe khách 16 đến 30 chỗ chỉ một lái xe, nhà chức trách cần khuyến cáo cách 2 giờ tài xế dừng nghỉ để giúp họ tỉnh táo khi chạy xe ban đêm. Sau đó, dần đưa vào quy định pháp luật.
“Một tài xế chạy xe đường dài 4 giờ vào ban đêm là căng thẳng”, ông Thanh nhận định.
Về tốc độ xe chạy ban đêm, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng không nên giảm thêm vì sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận tải, mà thay vào đó cần tuyên truyền lái xe không chạy quá tốc độ, lấn làn đường. Ngoài ra, các tuyến quốc lộ lưu lượng xe lớn cần được mở rộng, có giải phân cách cứng để ngăn chặn tai nạn thảm khốc khi xe lấn làn.
Trái với các quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng thời gian làm việc của lái xe ban đêm tối đa 4 giờ là hợp lý, bởi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Tuy nhiên, quy định này không bắt buộc đối với tất cả lái xe, tài xế nào mệt mỏi thì phải dừng chạy ngay và nghỉ ngơi. Nhà xe cũng không thể thúc ép tài xế khi xe chạy chậm hơn lịch trình.
Theo ông Quyền, thời gian làm việc của lái xe đã được giám sát qua thiết bị giám sát hành trình, song thời gian qua, nhiều tài xế chạy quá giờ vào ban đêm nhưng không được nhà xe hay cơ quan quản lý nhắc nhở kịp thời vì “lúc đó không có người trực”.
“Cần tăng cường phạt nguội để lái xe không phóng nhanh vượt ẩu”, ông Quyền nói.
Hồi 1h sáng 21/7, ôtô khách chở 14 người từ Bình Thuận đi TP HCM do ông Lê Thanh Trúc (48 tuổi, ở Bình Thuận) cầm lái, chạy trên quốc lộ 1A, đến xã Tân Đức (huyện Hàm Tân) lao vào xe tải chở ống nhựa từ TP HCM ra Khánh Hòa. Tai nạn làm 8 người chết, trong đó có tài xế xe khách. 7 người bị thương đang được điều trị tại Bình Thuận và TP HCM. Nguyên nhân ban đầu xác định lái xe khách chạy lấn làn đường.
Trước đó 10 ngày, lúc 4h10 ngày 11/7, tại km số 23+900 quốc lộ 14C thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, xe giường nằm 48 chỗ do tài xế Mai Hải Nam (tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, chở 40 người đã lao xuống vực sâu hơn 30 m. Hậu quả 6 người tử vong, 35 người bị thương. Theo nhận định ban đầu, tài xế xe khách mất lái nên lao xuống vực.
Đoàn Loan – Vnexpress