Chiều 18/7, ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nói việc phá dỡ, cải tạo nhà hàng Panorama bắt đầu từ ngày 7/7 và chưa kết thúc.
“Chúng tôi sẽ cải tạo công trình theo kiến trúc truyền thống của người H’Mông, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường và chỉ là điểm dừng chân, ngắm cảnh cho du khách, không kinh doanh dịch vụ lưu trú”, ông Quý nói.
Nhà chức trách không phá dỡ toàn bộ công trình mà chỉ sẽ dỡ bỏ một phần các mái nhô ra phía sông Nho Quế của nhà hàng Panorama, các góc che khuất tầm nhìn của người đi đường. Chính quyền địa phương cũng thống nhất không bồi thường thiệt hại cho bà Vũ Thị Ánh là chủ đầu tư, quản lý công trình.
Ông Quý cho biết, phương án trên đã được Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch), Uỷ ban UNESCO Việt Nam, Hội kiến trúc sư và các chuyên gia thống nhất.
“Dự kiến trong quý 3/2020, việc cải tạo nhà hàng Panorama sẽ hoàn thành. Sau khi cải tạo, công trình sẽ trở thành điểm nhấn trên đèo Mã Pì Lèng”, ông Quý kỳ vọng và cho biết, bà Vũ Thị Ánh vẫn là chủ đầu tư, quản lý công trình này.
Hồi giữa tháng 3/2020, tỉnh Hà Giang đã hội thảo với các chuyên gia kiến trúc, di sản và thống nhất chủ trương cải tạo nhà hàng Panorama thành điểm dừng chân, ngắm cảnh cho du khách, thay vì phá dỡ toàn bộ.
Trước đó, ngày 10/3, bà Vũ Thị Ngọc Ánh, gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách.
Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.
Tòa nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe… ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.
Viết Tuân – Vnexpress