Vụ án hiếp dâm thúc đẩy phong trào #MeToo ở Ai Cập

Nhắn tin tục tĩu, đe dọa tống tiền và hiếp dâm là một loạt cáo buộc quấy rối phụ nữ nhắm vào một nam sinh viên Ai Cập 21 tuổi.

Một trang Instagram đã được thiết lập để làm diễn đàn vạch mặt nam sinh viên 21 tuổi trên. Chỉ trong vài ngày, 93 người đã lên tiếng, trong đó có một số chỉ mới 13 tuổi, theo người quản lý trang. Một số người cáo buộc là sinh viên tại Đại học Mỹ ở Cairo, cơ sở đào tạo uy tín dành cho con của các gia đình giàu có và quyền lực nhất Ai Cập.

Ngày 4/7, 3 ngày sau khi trang Instagram được lập, cảnh sát Cairo đã bắt Ahmed Bassam Zaki, đối tượng bị hàng chục phụ nữ cáo buộc quấy rối và hiếp dâm, tại căn hộ của anh ta ở vùng ngoại ô.

Hành động công khai và nhanh chóng được xem là bước ngoặt đáng chú ý ở Ai cập, nơi các vụ tấn công và quấy rối tình dục rất phổ biến và nạn nhân không dám lên tiếng vì sợ tự “rước họa vào thân”.

Các gia đình giàu có, trường học đắt đỏ và nhiều cáo buộc gây sốc là các yếu tố khiến vụ việc trở thành tin tức đáng chú ý hàng đầu ở Ai Cập và là chủ đề nóng trong các chương trình bình luận và trên mạng xã hội. Làn sóng tố cáo công khai trên mạng xã hội đã khiến vụ việc được xem như phong trào #MeToo của Ai Cập.

Hội đồng Phụ nữ Quốc gia ngày 7/7 cho biết đã nhận hơn 400 khiếu nại liên quan tới các hành vi bạo lực đối với phụ nữ kể từ khi vụ việc bị phanh phui. Các cơ quan truyền thông, thường chịu ảnh hưởng bởi chính phủ, hầu như đều lên tiếng ủng hộ những người cáo buộc Zaki.

Đại học Al-Azhar, trung tâm học tập Hồi giáo dòng Sunni, cũng đứng về phía họ, khi tuyên bố khuyến khích phụ nữ tố cáo các hành vi tấn công tình dục và từ chối mọi quan điểm cho rằng trang phục, hành vi của họ đáng trách.

“Thông điệp gửi tới cộng đồng là chúng ta cần phải thay đổi văn hóa. Trong văn hóa phương Đông, một số nạn nhân không dám lên tiếng vì cảm thấy xấu hổ. Chúng ta cần động viên họ tiến lên”, Ahmed Barakat, người phát ngôn Ahmed Barakat, nói.

Ahmed Bassam Zaki, sinh viên Ai Cập 21 tuổi. Ảnh: Egyptian Street.
Ahmed Bassam Zaki, sinh viên Ai Cập 21 tuổi. Ảnh: Egyptian Street.

Bạo lực tình dục là vấn đề nhức nhối ở Ai Cập sau hàng loạt vụ tấn công xảy ra, như các vụ tấn công phụ nữ ở quảng trường Tahrir giữa làn sóng biểu tình hậu phong trào “Mùa xuân Arab” hồi năm 2011, và vụ một phụ nữ bị hiếp dâm tập thể sau lễ kỷ niệm Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi nhậm chức hồi năm 2014.

Hồi tháng 1, đoạn video được chia sẻ cho thấy nhóm đàn ông vây quanh và quấy rối một người phụ nữ ở Mansura, phía bắc Cairo, đã dấy lên làn sóng phẫn nộ ở quốc gia này. Quấy rối tình dục ở Ai Cập phổi biến đến mức nghiên cứu năm 2013 của Liên Hợp Quốc chỉ ra 99% phụ nữ nước này là nạn nhân.

Chiến dịch vạch trần các hành vi của Zaki gây bất ngờ khi được dẫn dắt bởi chính phủ thường xuyên bắt giam phụ nữ với các cáo buộc có hành vi hỗn láo và vô đạo đức. “Đây là một bước tiến trong phong trào đấu tranh nhiều năm qua. Tôi rất tự hào về điều này”, Mozn Hassan, một trong số nhà nữ quyền nổi tiếng ở Ai Cập, nói.

Nhưng bà cũng thừa nhận rằng Ai Cập còn tụt lại phía sau rất xa so với nhiều quốc gia về vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ. Mặc dù quấy rối tình dục đã bị hình sự hóa năm 2014, việc kết án tội phạm hiếp dâm vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Chính phủ Ai Cập gần đây bắt giam nhiều phụ nữ vì các lý do “vô thưởng vô phạt”, trong đó có biên tập viên một trang tin tức, một vũ công, một dịch giả tại thư viện Bibliotheca Alexandrina danh tiếng và một phụ nữ thuộc gia đình hoạt động nổi tiếng. Kể từ tháng 4, bảy phụ nữ Ai Cập trẻ tuổi đã bị bắt giam vì đăng các video nhảy múa trên mạng xã hội TikTok, với cáo buộc xúc phạm đạo đức cộng đồng.

Vụ án của Zaki tập trung vào các cáo buộc hiếp dâm, tống tiền và quấy rối của 6 người phụ nữ, theo công tố viên. Zaki cũng có khả năng bị truy tố ở Tây Ban Nha, nơi ngôi trường mà sinh viên này ghi danh năm ngoái ở Barcelona thông báo đuổi học và đệ đơn khiếu nại hình sự lên cảnh sát Tây Ban Nha hôm 6/7.

Zaki không nói công khai về các cáo buộc này, nhưng công tố viên hôm 6/7 cho biết anh ta phủ nhận hầu hết chúng.

Làn sóng phẫn nộ đối với Zaki càng tăng khi anh ta có xuất thân từ giới thượng lưu Ai Cập. Sau khi tốt nghiệp Trường Quốc tế Mỹ, một trong số trường cấp ba đắt nhất Cairo, Zaki vào Đại học Mỹ ở thủ đô Cairo từ năm 2016. Nhiều sinh viên ở đại học này đã từng phàn nàn về các hành vi thiếu đứng đắn của Zaki đối với phụ nữ.

Khi là sinh viên năm nhất, Zaki bị đuổi khỏi một câu lạc bộ của trường sau khi nhiều phụ nữ phàn nàn về hành vi quấy rối của sinh viên 21 tuổi này, theo Kareem Elhosseni, từng là phó chủ tịch câu lạc bộ.

Theo một số tài khoản đăng bài trong tuần qua, Zaki đã sử dụng nhiều mánh khóe để lấy số điện thoại của phụ nữ, trong đó có tuyên bố là thành viên của nhiều câu lạc bộ xã hội không có thật. Nam sinh viên này cũng gây sức ép để nhiều phụ nữ cung cấp “ảnh nóng”, thứ mà sau này anh ta dùng để ép họ phải quan hệ tình dục, nếu không muốn bị gửi ảnh tới bố mẹ.

Hoặc đôi khi Zaki cố tìm cách “giành sự đồng cảm bằng cách nói anh ta vừa trải qua khủng hoảng”, sau đó dụ dỗ họ tới nhà và tấn công tình dục, theo công tố viên.

Một người cáo buộc Zaki, cô gái 18 tuổi mà sinh viên này quen trên Tinder, nói anh ta trông có vẻ là “người đàng hoàng”. Nhưng sau đó, anh ta nhanh chóng đề nghị cô tới nhà để quan hệ tình dục. Khi bị từ chối, Zaki đã không tiếc lời lăng mạ cô gái và dọa tới gặp bố mẹ cô.

“Nếu là người ngoài cuộc, bạn có thể nhận ra anh ta bịm bợp. Nhưng nếu trong cuộc, bạn sẽ tin điều anh ta nói. Điều này rất đáng sợ”, cô gái chia sẻ.

“Các nạn nhân của Zaki không biết nhau, nhưng câu chuyện của họ có nhiều điểm tương đồng”, Sabah Khodir, nhà văn Ai Cập ở Mỹ, người đã viết về bạo lực tình dục và được nghe một số câu chuyện về Zaki từ vài người phụ nữ.

Nhưng mọi lời cáo buộc chỉ trở nên rõ ràng sau khi trang @assaultpolice trên mạng Instagram được thiết lập hôm 1/7, trong đó nhiều người còn gửi cả bản sao tin nhắn thoại và tin nhắn bình thường mà Zaki gửi tới các cô gái. Trong số người tố cáo, có 4 sinh viên châu Âu và một người Mỹ.

Quản trị viên của trang @assaultpolice, người sàn tuổi và thuộc cùng tầng lớp xã hội với Zaki, nói cô tin tưởng các tài khoản tố cáo bởi cô biết nhiều gia đình trong số đó. NYTimes không thể xác minh độc lập bất kỳ lời cáo buộc nào.

Zaki đã bỏ Đại học Mỹ, sau đó ghi danh vào chương trình đào tạo trực tuyến của Trường Kinh doanh EU ở Barcelona năm ngoái. Sinh viên này đã chuyển tới đó hồi tháng 2 để bắt đầu kỳ học mới.

Hôm 3/7, trường học này đuổi học Zaki, theo người phát ngôn Claire Basterfield. Hôm 6/7, luật sư của trường đã đệ đơn khiếu nại hình sự dài 54 trang cho cảnh sát Tây Ban Nha, dựa trên các cáo buộc từ sinh viên. “Việc bảo vệ học sinh của chúng tôi rất quan trọng. Chúng tôi cần cảnh sát điều tra”, Basterfield nói.

Hành động nhanh chóng của đại học đã khiến nhiều người quan tâm hơn tới cách phản ứng của Đại học Mỹ đối với các khiếu nại tương tự về Zaki. Khodir, nhà văn Ai Cập, nói có rất nhiều cáo buộc đối với Zaki từ các sinh viên, trong đó đỉnh điểm là khiếu nại quấy rối tình dục năm 2018.

Người phát ngôn của Đại học Mỹ Rehab Saad từ chối bình uận về các khiếu nại chống lại Zaki với lý do bảo mật thông tin và chỉ nói sinh viên này rời trường mà chưa hoàn thành khóa học.

Bà Saad thêm rằng đại học này có “chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi quấy rối tình dục”, đồng thời “tuân thủ nghiêm mọi luật pháp của Ai Cập về vấn đề này”.

Trong một email gửi cho nhân viên hôm 7/7, Francis J. Ricciardone, chủ tịch Đại học Mỹ, cam kết “nhân đôi các chương trình đào tạo truyền thông” về các biện pháp chống quấy rối tình dục.

Đại học Mỹ ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: AP.
Đại học Mỹ ở thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: AP.

Ai Cập cũng từng có nhiều phong trào #MeToo khác, dù chưa mang lại hiệu quả.

Hồi tháng 6/2019, một số phụ nữ cáo buộc Amr Warda, vận động viên đội bóng đá quốc gia, thực hiện nhiều hành vi quấy rối tình dục, khiến người này bị đuổi khỏi đội tuyển. Nhưng chỉ hai ngày sau, Warda được trở lại tuyển, sau khi nhiều cầu thủ khác gây áp lực. Làn sóng phẫn nộ càng tăng lên khi Mohammed Salah, ngôi sao bóng đá nổi tiếng Ai Cập, nói rằng Warda nên được cho cơ hội thứ hai và không nên bị trừng trị.

Tháng 11 năm ngoái, công tố viên đã xóa tất cả cáo trạng chống lại cô bé 15 tuổi Amira Ahmed, người thừa nhận đã giết tài xế xe buýt khi ông ta dùng dao đe dọa để hiếp dâm cô. Vụ án được xem là chiến thắng về quyền tự vệ của phụ nữ, đồng thời giúp thay đổi nhận thức của công chúng về bạo lực phụ nữ.

Tuy nhiên, vụ án của Zaki đã thực sự mở ra chiến tuyến mới cho cuộc đấu tranh vì quyền của phụ nữ, dù vấn đề này gây ra nhiều chia rẽ xã hội phức tạp.

Một số nhà bình luận Ai Cập đã chỉ ra điểm tương phản về cách đối xử với những người cáo buộc Zaki và nhóm 7 phụ nữ bị bắt giam vì quay video TikTok. Trong khi nhóm người cáo buộc Zaki có xuất thân từ các gia đình giàu và có tầm ảnh hưởng lớn, 7 phụ nữ kia hầu hết là người lao động hoặc tầng lớp trung lưu, nơi các quan điểm bảo thủ về giới tính vẫn tồn tại.

“Giới chức muốn gửi thông điệp rằng có phụ nữ tốt và phụ nữ xấu. Họ ủng hộ những người tốt nếu họ là nạn nhân. Nhưng họ xem nhóm phụ nữ quay video TikTok là người xấu”, nhà hoạt động Hassan nói.

Thanh Tâm (Theo NYTimes) – Vnexpress